Đoàn xã Đăk Môn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế
Những năm qua, Đoàn xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình...
Gia đình có 3ha đất canh tác, nhưng mấy năm trước, A Trường (chi đoàn thôn Đăk Tum, xã Đăk Môn) loay hoay mãi không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, anh chỉ quanh quẩn trồng cây mì, cây lúa rẫy, cây bắp nên thu nhập chẳng đáng là bao. Được Đoàn xã tư vấn, từ năm 2013 -2014, anh đăng ký tham gia 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tại xã. Qua các lớp tập huấn, Trường đã tiếp thu nhiều kiến thức quí báu phục vụ cho sản xuất.
Từ số tiền tích cóp được qua mấy năm chí thú làm ăn, anh mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư trồng 1ha cà phê, 1ha cây bời lời, diện tích còn lại trồng chuối và mì cao sản. Mặt khác, anh còn nuôi 2 con bò, hàng chục con gà mái. Với kiến thức thu được qua các lớp tập huấn, anh biết cách chăm sóc cây trồng phát triển khá tốt, vật nuôi cũng lớn rất nhanh. Cuối năm 2016, cà phê cho thu bói, bời lời cũng đã thu hoạch lứa đầu tiên, cộng với thu nhập từ chăn nuôi, anh có thu nhập ổn định từ 40-60 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này đã giúp gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo năm 2016.
|
Giống như trường hợp A Trường, chị Y Thu (chi đoàn thôn Đăk Nai) trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Được Đoàn xã vận động, tư vấn, năm 2012 chị mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Chị đầu tư chuồng trại nuôi 30 con heo, 50 con gà, vịt, trồng 1ha cây bời lời. Chị đăng ký tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi, chăm làm, cây bời lời sinh trưởng và phát triển nhanh, các con vật nuôi được chăm sóc đúng cách, lớn nhanh, đẻ nhiều nên nguồn thu nhập ngày càng tăng, bình quân mỗi năm từ 50-60 triệu đồng. Đến nay, chị đã trả hết nợ vay từ ngân hàng, gia đình thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2015.
Trao đổi với chúng tôi, anh A Sắc - Bí thư Đoàn xã Đăk Môn cho biết: Phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo được Ban Chấp hành Đoàn xã triển khai từ nhiều năm qua. Nhiều hộ đoàn viên thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại "vườn, ao, chuồng", bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Từ phong trào này, nhiều hộ đoàn viên thanh niên có mức thu nhập từ 40-80 triệu đồng/năm, cá biệt có một số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đoàn viên thanh niên xuống dưới 15%.
|
Theo anh A Sắc, để có được kết quả nêu trên, thời gian qua, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tuyên truyền, vận động trên 300 lượt đoàn viên thanh niên tham gia các lớp dạy nghề (kỹ thuật cạo mủ cao su; kỹ thuật chăn nuôi heo, bò, gà, vịt, cá; lớp thợ nề dân dụng...); các lớp tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật chăm sóc cây trồng hàng năm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, bời lời... Bên cạnh đó, Đoàn xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn 206 hộ đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền ủy thác qua Đoàn xã quản lý trên 8 tỷ đồng.
Anh A Sắc cho hay: Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đoàn xã tiếp tục tổ chức tốt phong trào đoàn viên thanh niên thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều hình thức như: đổi ngày công, giúp nhau, trao đổi kinh nghiệm, tham gia tích cực vào chương trình tách hộ lập vườn, vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; phấn đấu đến năm 2020, 40% số hộ đoàn viên thanh niên có mức sống khá, giàu, trên 50% số hộ đoàn viên thanh niên có mức sống trung bình và tỷ lệ hộ nghèo trong đoàn viên thanh niên giảm còn dưới 10%.
Thảo Nguyên