Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo Kết luận 211-KT/TU
Thực hiện Kết luận 211-KT/TU ngày 1/6/2021 của Tỉnh ủy về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; các cấp ủy đảng, các ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2021, tạo tiền đề thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025.
Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 38 xã được lựa chọn thực hiện đạt chuẩn xã nông thôn mới. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đặt ra mục tiêu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 29 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấn đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, không còn xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí.
Ông Huỳnh Văn Liêm- Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Kết luận 211-KT/TU của Tỉnh ủy, đơn vị đã thường xuyên tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương; cũng như tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện, đạt kết quả cao nhất công tác xây dựng nông thôn mới năm nay.
Đối với các sở, ngành cấp tỉnh và phòng, ban cấp huyện phụ trách các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Sở NN&PTNT đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế địa phương để hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở, khắc phục những tiêu chí chưa đạt được.
|
Ngoài ra, Sở còn thường xuyên kiểm tra, làm việc, đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội dành cho công tác này, thúc đẩy hoàn thành nhanh, chất lượng các chỉ tiêu liên quan nông thôn mới.
Điển hình như, năm 2021, thành phố Kon Tum phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới 2 xã Chư Hreng và Kroong. Ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ (tại Kỳ họp thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XII): Thuận lợi của địa phương trong triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm nay là quyết tâm và sự nỗ lực cao của toàn Đảng bộ. Thành ủy đã lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ, tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng huy động nguồn vốn đã giải ngân cho nông thôn mới gần 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố khoảng 21 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,9 tỷ đồng, còn lại các nguồn khác. Qua đó, địa phương đã đẩy mạnh và đạt được kết quả đáng kể, như xã Chư Hreng đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới quý III năm 2021. Hiện tại, thành phố đang nỗ lực rà soát, hoàn thành tiến độ để xã Kroong đạt chuẩn cuối năm nay.
Mặc dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã có sự nỗ lực, phối hợp tích cực thực hiện mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, năm 2021, tỉnh ta triển khai công tác này đã bị động và gặp nhiều khó khăn. Đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển KT-XH tỉnh Kon Tum, dẫn tới huy động các nguồn đóng góp của toàn xã hội dành cho công tác này có phần hạn chế. Hơn nữa, năm nay là năm đầu thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025, nên cơ chế, chính sách, nguồn vốn chương trình nông thôn mới chưa được trung ương ban hành, phân bổ, nên tỉnh rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến tháng 11/2021, toàn tỉnh có 1/8 xã được công nhận nông thôn mới, đạt 12,5% kế hoạch đề ra; 1/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 16,66% kế hoạch; 5/6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 83,33%; có 5/29 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới đạt 17,24%.
Qua rà soát gần đây của các ngành chuyên môn, vẫn có không ít xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chưa chủ động xây dựng phương án, giải pháp để nâng cao, cũng như duy trì chất lượng đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Trong khi đó, theo dự thảo quy định mới của Bộ NN&PTNT, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có sự điều chỉnh nâng cao bộ tiêu chí đối với xã đạt chuẩn nông thôn, nông thôn nâng cao và kiểu mẫu.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thời gian tới, các cấp và các ngành, địa phương trong tỉnh đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm báo cáo Trung ương phê duyệt chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đồng thời, các ngành dọc của tỉnh cũng cần tham mưu tỉnh đề xuất bộ, ngành Trung ương quy định cụ thể cơ chế lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.
Mai Trâm