Đăk Tờ Re nỗ lực về đích nông thôn mới
Với kế hoạch sẽ “cán đích” nông thôn mới trong năm 2021 nên ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm để sớm hoàn thành các tiêu chí.
Những ngày đầu xuân, bà con nhân dân xã Đăk Tờ Re vui mừng, phấn khởi khi được huyện chọn làm điểm phát động ra quân xây dựng nông thôn mới. Vì thế, đông đảo bà con làng Kon Jri Pen (thôn 3, xã Đăk Tờ Re) cùng với người dân toàn xã đã hưởng ứng và tổ chức sôi nổi các hoạt động ra quân xây dựng nông thôn mới với quyết tâm sớm đưa xã cán đích nông thôn mới như kế hoạch đề ra. Những hoạt động được nhân dân thực hiện ngay trong ngày ra quân là làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi và trồng hoa dọc bên đường từ Quốc lộ 24 vào nhà rông của thôn…
Đứng bên khoảnh sân vừa được đổ bê tông, ông A Lên - Trưởng thôn Kon Jri Pen phấn khởi khoe: “Khi nghe tin thôn được chọn làm điểm cho lễ ra quân, bà con ai nấy đều mừng và tham gia tích cực lắm. Mỗi người một tay, người xúc cát, người đẩy xe sỏi, người đào hố trồng hoa... chẳng mấy chốc các phần việc nhanh chóng được hoàn thành trong không khí vui tươi phấn khởi, là tín hiệu vui cho cả năm nhiều thành công”.
|
Ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re phấn khởi chia sẻ: Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Đăk Tờ Re xác định việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân là yếu tố cực kì quan trọng. Từ đó, chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể tăng cường bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của người dân để kịp thời có biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhờ đó, đến nay kinh tế - xã hội của xã đã có sự phát triển, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực.
Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc, xã Đăk Tờ Re đã đạt được kết quả đáng mừng trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới (tăng 2 tiêu chí so với năm 2019), thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng/người). Đặc biệt, công tác giảm nghèo đạt những kết quả nổi bật, năm 2020, trong tổng số 199 hộ thoát nghèo có tới 50 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Việc xin thoát nghèo của các hộ dân chính là tấm gương động lực để các hộ nghèo khác noi theo, không trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 27,67% (giảm 14,25% so với năm 2019).
|
Đăk Tờ Re còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Đây là 2 tiêu chí có mối quan hệ mật thiết với nhau nên trong năm nay, cấp ủy, chính quyền xã Đăk Tờ Re tập trung đẩy mạnh vận động tuyên truyền và tạo mọi điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả và giá trị sản phẩm.
Ngoài tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép các dự án giảm nghèo để hỗ trợ cho người dân, xã Đăk Tờ Re chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xã tiếp tục phát triển, nhân rộng diện tích trồng chuối hiện có (bao gồm chuối sứ và chuối già Nam Mỹ) với diện tích 40 ha để làm vùng nguyên liệu để phát triển các sản phẩm từ chuối. Đồng thời, xây dựng, nâng cao chất lượng 2 sản phẩm OCOP (rượu ghè ông già Rên và chuối ép sấy dẻo Vinh Sơn); duy trì hoạt động mô hình dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGap của Nông trại Brosfarm tại thôn 10, với quy mô 5.800 m2/12.000 cây (tương ứng với 5 vườn); duy trì hoạt động của trang trại chăn nuôi Măng Den tại thôn 9, với quy mô 2.400 con; bảo vệ và bảo tồn, phát triển 5 ha cây mật nhân dưới tán rừng...
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của người dân nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập, hướng đến cải thiện đời sống của người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hoàng Thanh