Đăk Tô: Nhiều mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đăk Tô đã triển khai nhiều phần việc, mô hình, qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần giúp đời sống người dân ngày càng phát triển.
Đến thăm mô hình “trồng cỏ nuôi bò sinh sản” của hộ chị Y Tei (thôn 5, xã Diên Bình), chúng tôi nhận thấy đàn bò đang sinh trưởng rất tốt. Chị Tei cho biết, được hội LHPN các cấp vận động, tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chăn nuôi, chị đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi bò sinh sản theo phương thức nuôi nhốt.
Được các cấp hội LHPN quan tâm tạo điều kiện, năm 2021, chị Y Tei đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm chuồng trại và mua 2 con bò giống; trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò sinh trưởng tốt. Qua 3 năm, chị Y Tei đã bán một vài con bò để trả hết số nợ 50 triệu đồng và hiện vẫn còn 5 con bò.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô cho biết: Chị Y Tei là một trong hàng nghìn hội viên được tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, Hội LHPN huyện tín chấp các nguồn vốn chính sách hỗ trợ hội viên vay vốn với tổng dư nợ do Hội quản lý hơn 194,6 tỷ đồng/2.898 hộ vay, trong đó có 1.310 hộ đồng bào DTTS (chiếm 45%/tổng số hộ vay do Hội quản lý).
Cùng với đó, thực hiện Cuộc vận động, Hội còn triển khai mô hình kinh kế tổ hợp tác/tổ liên kết “Phụ nữ DTTS chăn nuôi heo” với 39 hộ tham gia; mô hình tổ hợp tác “Phụ nữ DTTS trồng gừng trong bao” với 21 hộ tham gia. Thực hiện mô hình “5 hộ/xã” của Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, hằng năm, mỗi cơ sở hội đăng ký với cấp ủy, phối hợp chính quyền địa phương xây dựng giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ từ 5 hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Kết quả, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN cơ sở đã đăng ký và giúp 98/135 hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện.
Cùng với Hội LHPN huyện, từ nguồn ngân sách của huyện 300 triệu đồng, các tổ chức chính trị - xã hội khác trên địa bàn huyện đã xây dựng những mô hình cụ thể để giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng mô hình “Trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản” tại thôn Kon Pring, xã Ngọc Tụ cho 3 hộ DTTS nghèo; Hội Nông dân huyện triển khai mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm trên một diện tích đất canh tác tại xã Văn Lem cho 5 hộ; Hội Cựu chiến binh xây dựng mô hình nuôi cá lồng nước ngọt tại thôn Đăk Mơ Ham, xã Pô Kô; Huyện đoàn đã xây dựng mô hình “Vườn ươm sâm dây” cho 3 hộ gia đình khó khăn tại xã Đăk Trăm.
|
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” huyện hỗ trợ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất tham gia mô hình “trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản”. Theo đó, huyện đã hỗ trợ 122 con bò giống cho 62 hộ đồng bào DTTS với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Các hộ dân đã trồng cỏ, xây dựng chuồng trại với tổng kinh phí 350 triệu đồng.
Đối với cấp xã, thực hiện Cuộc vận động, các địa phương tiếp tục duy trì 20 mô hình điểm với tổng kinh phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng.
Bà Y Khảm – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Cuộc vận động đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Qua đó đã tạo được chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS năm 2022 giảm 4,55% so với năm 2021, năm 2023 giảm 5,74% so với năm 2022, đạt so với tiêu chí đề ra (chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là người đồng bào DTTS giảm bình quần 3 - 4%/năm).
Văn Tùng