Đăk Hà: Tác động từ việc giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Qua việc thực hiện các mô hình và những việc làm cụ thể, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) đã tạo ra những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Đăk Hà.
Có dịp đi về các thôn, làng đồng bào DTTS ở các xã trên địa bàn huyện Đăk Hà, chúng tôi nghe người dân nói nhiều về Cuộc vận động. Đồng thời được biết, để đẩy mạnh việc triển khai Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chỉ đạo UBND huyện, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, các xã, thị trấn… triển khai thực hiện Cuộc vận động bằng nội dung thiết thực, cụ thể, phù hợp ở đặc thù của từng địa phương.
Đồng chí Lưu Duy Khanh – Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Hà chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện cho dịch nội dung Cuộc vận động ra tiếng Ba Na, Xơ Đăng để giúp dân dễ nắm bắt và thực hiện thuận lợi hơn. Ngoài việc triển khai các nội dung của Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo UBND huyện, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, đảng ủy các xã, thị trấn chọn từ 1-2 nội dung để tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả. Như Đoàn Thanh niên vận động đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế; Hội LHPN các cấp hỗ trợ hội viên thực hiện các mô hình sinh kế, vận động chị em trong độ tuổi không sinh đẻ nhiều con; các xã vận động người dân thực hiện các mô hình kinh tế, mô hình vườn rau xanh, không tổ chức ma chay dài ngày…
Với sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và bằng các việc làm thiết thực, Cuộc vận động từng bước đi vào đời sống. Điển hình như UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ đồng bào DTTS ở các xã Đăk Hring, Đăk Long, Đăk Pxi, Ngọc Réo thực hiện mô hình trồng chuối, dược liệu, mì cao sản, cải tạo vườn tạp, nuôi gà đẻ, cá nước ngọt; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện giúp dân thôn Kon Rôn (xã Ngọc Réo), thôn Đăk Wét (xã Đăk Pxi) thực hiện mô hình nuôi dê, gà, vịt; Hội Nông dân huyện vận động nhân dân ở các xã, thị trấn thực hiện mô hình trồng rau, cây ăn quả, nuôi gia súc, gia cầm...
|
Trong năm vừa qua, chỉ riêng nguồn kinh phí do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ việc thực hiện Cuộc vận động đã là hơn 875 triệu đồng, thu hút 248 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Các mô hình do trung tâm triển khai đang phát huy hiệu quả, góp phần giảm hộ nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.
Ở cấp xã như xã Đăk Hring triển khai mô hình bảo vệ môi trường sống, xây dựng thôn làng xanh, sạch đẹp, hộ gia đình tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý… ở các thôn Kon Mong, Kon Proh Tu Ria, Kon Hnong Pêng, Đăk Klong, Đăk Kang Yốp; xã Ngọc Réo có mô hình nuôi gà, vịt, dê, trồng rau sạch ở các thôn Kon Jong, Kon Krơk, Kon Hờđrế, Kon Rôn, Đăk Têng; xã Ngọc Wang có mô hình trồng chuối và các loại cây ăn trái, chăn nuôi dê, bò, gà, vệ sinh môi trường ở các thôn Đăk Duông, Kon Jri, Kon Gu II, Kon Stiu II, Kon Brông…
Ông A Lát - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Kon Jong (xã Ngọc Réo) cho biết: Các mô hình nuôi gà, vịt, dê, trồng rau sạch, bảo vệ môi trường triển khai ở thôn đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, việc trồng rau sạch trong vườn nhà giúp cho bà con có rau xanh ăn hàng ngày, không phải mua. Qua việc thực hiện các mô hình từ Cuộc vận động, người dân trong thôn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo huyện, Cuộc vận động bước đầu có tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào DTTS. Theo đó, nhiều hộ gia đình DTTS không còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên bằng nội lực của mình; nhiều hộ dần thay đổi cách thức trong lao động sản xuất, tiếp thu cái mới, áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chi tiêu hợp lý hơn để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất... Việc thực hiện Cuộc vận động này đã góp phần làm cho toàn huyện trong năm 2021 giảm 719 hộ nghèo, giảm 4,02% (vượt kế hoạch tỉnh giao).
Có thể nói, những kết quả của Cuộc vận động đang tạo ra những tác động tích cực, có sức lan tỏa và trở thành nguồn động lực để Huyện ủy, Ban chỉ đạo huyện và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động, góp phần tạo ra những chuyển biến mới giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững và thực hiện tốt các mục phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên