Đăk Glei: Xây dựng nhiều mô hình kinh tế giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, trong hơn 2 năm qua (2021-2023), Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei lãnh đạo hệ thống chính trị xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei A Phương cho biết: Toàn huyện hiện có 11.891 hộ, với 44.931 nhân khẩu đồng bào DTTS, chiếm 86,8% dân số toàn huyện, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cả hệ thống chính trị huyện xây dựng được 50 mô hình phát triển kinh tế, có trên 500 hộ đồng bào DTTS tham gia, qua đó nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa, góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con. Nhờ đó, tính đến đầu năm nay, toàn huyện giảm còn 2.102 hộ DTTS nghèo, chiếm 17,68% và 1.222 hộ DTTS cận nghèo, chiếm 10,28% so với tổng số hộ đồng bào DTTS của huyện.
|
Cụ thể, Ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ 12 hộ thực hiện mô hình trồng cà phê tại các thôn Đăk Ung, Đăk Ga, Đăk Nhoong thuộc xã Đăk Nhoong. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 160 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Đăk Pék, thị trấn Đăk Glei, có 8 hộ tham gia và 500 triệu đồng xây dựng mô hình trồng sâm dây tại 3 xã Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh. Đến nay, các loại cây trồng, vật nuôi nói trên chưa đến thời kỳ thu hoạch, nhưng phát triển tốt, tạo niềm tin cho người dân.
Hội Nông dân huyện hỗ trợ 5 hộ nghèo thị trấn Đăk Glei 5 con bò cái (đến nay sinh sản được 7 con bê phát triển khỏe mạnh); 5 hộ trồng 5 sào sâm dây và cho thu hoạch; 20 con dê giống cho 8 hộ tại thôn Đông Lốc, xã Đăk Man (đến nay sinh sản được 15 con dê con); 10 hộ trồng 10ha cà phê tại xã Đăk Kroong; 18 hộ trồng 5ha sâm dây tại xã Mường Hoong và cho thu hoạch tốt; 15 hộ tại 2 xã Ngọc Linh và Xốp trồng sâm Ngọc Linh; thành lập 7 tổ, với 25 hộ nuôi ong rừng lấy mật tự nhiên tại xã Đăk Plô; hướng dẫn trồng lúa nước áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật tại thôn Đăk Booc, xã Đăk Plô.
Huyện đoàn hỗ trợ xây dựng các mô hình về nuôi cá tại xã Đăk Kroong, Đăk Choong, Đăk Môn, Đăk Long, Đăk Nhoong, Xốp; trồng chuối tại xã Đăk Kroong; lập vườn cây sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại các xã, thị trấn trong huyện; trồng mít Thái tại xã Đăk Nhoong và thị trấn Đăk Glei; trồng cây mắc ca tại xã Xốp; trồng xoài tại xã Đăk Choong; trồng bắp sinh khối tại Trường THPT Lương Thế Vinh; trồng sâm dây tại thị trấn Đăk Glei; nuôi heo giống tại thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Long.
Hội LHPN huyện hỗ trợ 547 triệu đồng cho 58 hộ xây dựng các mô hình chăn nuôi heo đen, heo lai tại xã Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Nhoong, Đăk Pek, Đăk Kroong; 250 triệu đồng cho 11 hộ nuôi bò sinh sản tại xã Đăk Plô, Đăk Long; 60 triệu đồng cho 12 hộ nuôi dê tại xã Đăk Man. Ngoài ra, hỗ trợ 670 triệu đồng cho 90 hộ tại xã Đăk Plô, Mường Hoong, Ngọc Linh trồng sâm dây; 90 triệu đồng cho 80 hộ tại xã Đăk Long trồng mít.
Hội Cựu chiến binh huyện duy trì và hỗ trợ 5 mô hình về chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thị trấn Đăk Glei; vườn, ao, chuồng tại xã Đăk Nhoong, Đăk Môn, Đăk Kroong; trồng cà phê tại xã Đăk Pek, Đăk Long; trồng sâm Ngọc Linh tại xã Đăk Choong có 6 hộ tham gia và tại xã Xốp có 8 hộ tham gia; nuôi dê đồi tại xã Đăk Man có 5 hộ tham gia.
|
Các nguồn hỗ trợ thực hiện các mô hình trên chủ yếu từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thông qua Mặt trận; nguồn Quỹ “Hỗ trợ nông dân” thông qua Hội Nông dân huyện; nguồn từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội Doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội LHPN thành phố Hà Nội hỗ trợ thông qua Hội LHPN huyện. Ngoài ra, Huyện đoàn tự vận động nguồn hỗ trợ xây dựng các mô hình và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hộ đoàn viên, hội viên và nhân dân các xã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Riêng Hội Cựu chiến binh huyện vận động 5 hộ mạnh dạn vay 300 triệu đồng (60 triệu đồng/hộ) để trồng sâm dây phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, các mô hình nói trên cho kết quả khả quan.
Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei A Phương cho biết thêm: Qua 2 năm thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện; được đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đồng tình ủng hộ, hưởng ứng. Đồng thời, định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật, duy trì và phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, qua đó, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Hồng Nhung