Đại đoàn kết
Sau 20 năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành ngày hội lớn, nét đẹp truyền thống, góp phần đặc biệt quan trọng củng cố niềm tin, khối đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc.
Tháng 11 đến, một trong những ngày lễ quan trọng, được nhân dân các dân tộc trong tỉnh mong đợi nhất là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những ngày này, từ những tổ dân phố ở đô thị đến những thôn làng vùng sâu, vùng xa, từ những ngôi làng ở biên cương Tổ quốc đến những khu tái định cư mới, đâu đâu cũng náo nức không khí lễ hội.
Hòa chung không khí náo nức ấy, ngày 5/11, thôn tôi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, sớm hơn mọi năm. Lý do là bà con vừa thu hoạch xong vụ mùa, trong khi ít ngày nữa mới bước vào kỳ thu hoạch rộ cà phê, nên đang vào kỳ nông nhàn.
Việc tổ chức Ngày hội ở thôn ta đã được duy trì nhiều năm, trở thành nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người dân trong thôn. Dù vậy, thời gian tổ chức cũng cần tính toán phù hợp, đảm bảo mọi người tập hợp đông đủ nhất - bác trưởng ban công tác Mặt trận nói.
Không cần phải kể cũng biết, người dân trong thôn háo hức chờ ngày vui ấy như thế nào. Để chuẩn bị cho Ngày hội, đoàn viên thanh niên hò nhau dọn dẹp đường làng ngõ xóm; phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, khơi thông cống thoát nước. Chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi mải miết tập luyện văn nghệ. Ai cũng có việc của mình.
|
Từ mấy ngày trước, nhà văn hóa thôn đã giăng đèn kết hoa, rực rỡ cờ Tổ quốc. Vào ngày hội, từ sáng sớm, người dân đủ các lứa tuổi đã dồn về nhà văn hóa thôn để tham gia.
Năm nay, bà con đến dự đông đủ hơn, hầu như gia đình nào cũng có đại diện; cán bộ, đảng viên, người lao động sinh sống tại thôn; các doanh nghiệp, hợp tác xã đứng chân trên địa bàn đều có mặt; nhiều con em của thôn đang công tác, làm ăn xa quê cũng về tham gia Ngày hội.
Điều làm bà con phấn khởi là nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên phần lễ trang trọng, thể hiện tính nghiêm túc; phần hội vừa sôi nổi, với các hoạt động văn nghệ, thi đấu giao lưu bóng chuyền, vừa thân mật, đậm tình đoàn kết qua phần trao quà cho hộ khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Điểm mới nhất là, thay vì tổ chức liên hoan như mọi năm, bà con thống nhất để dành khoản kinh phí đóng góp được hỗ trợ một hộ gia đình khó khăn về nhà ở xây nhà mới; hỗ trợ cây giống cho một số hộ đồng bào DTTS cải tạo vườn tạp. Phần kinh phí còn thiếu được doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con đóng góp thêm.
Có thể nói, hình ảnh ấy, không khí ấy, tình cảm ấy đã được tiếp nối, được bồi đắp suốt 20 năm qua.
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau 20 năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
Qua đó, động viên, khích lệ nhân dân tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, lao động sản xuất, thay đổi nếp nghĩ cách làm, giảm nghèo bền vững, đền ơn đáp nghĩa củng cố niềm tin, khối đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc.
Các hoạt động văn hóa thể thao trong Ngày hội góp phần tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc. Những hoạt động như phát quà, trao học bổng, xây dựng nhà tình thương nhân lên lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương với những người có hoàn cảnh khó khăn.
|
Tại văn bản số 1459-CV/TU ngày 4/11/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá, Ngày hội đã trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống nhân dân. Khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Tất nhiên, từ khâu tổ chức Ngày hội các năm qua ở khu dân cư, vẫn có thể nhận thấy những hạn chế, tồn tại. Như việc tổ chức Ngày hội ở một số khu dân cư còn mang tính hình thức, nội dung thiếu sinh động, chưa thiết thực, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân.
Một số nơi chưa huy động được đông đủ nhân dân trong khu dân cư, cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia.
Nhưng cũng từ thực tế, cần khẳng định rằng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên một mặt trận đoàn kết rộng lớn với sự tham gia của các tầng lớp và các tôn giáo khác nhau trong xã hội, củng cố nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Nhìn lại hành trình đã qua, thấy rất rõ rằng, cũng nhờ tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối, đưa đất nước bước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhờ Đại đoàn kết toàn dân tộc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào sự nghiệp đổi mới, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, chúng ta lại càng cho thấy Đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quan trọng bậc nhất, là cội nguồn sức mạnh để đất nước chúng ta vững bước tiến lên.
Và vì vậy, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng.
Thành Hưng