“Cú hích" cho phát triển hiệu quả, bền vững
Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã tạo "cú hích" kịp thời, quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, đã giúp các hộ đồng bào các DTTS trong tỉnh phát huy tinh thần tự lực, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, hòa nhập và cùng phát triển.
|
Xác định tầm quan trọng của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội "về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 1448/KH-UBND ngày 16/5/2022 và Kế hoạch số 462/KH-UBND ngày 18/2/2023, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, phù hợp với thực tiễn của tỉnh, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Nhờ đó, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh đã được phục hồi và tăng cao so với trước thời điểm Nghị quyết số 43/2022/QH15 do Quốc hội ban hành. Năm 2023, quy mô tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khoảng 34.539 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2021; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2022-2023 đạt 8,4%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 27.035 tỷ đồng, đạt 100,13% kế hoạch năm và tăng hơn 35% so với năm 2021; thu ngân sách khoảng 4.200 tỷ đồng, đạt 129,4% dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu tăng 23,8% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu tăng 9,5% so với năm 2021...
Bên cạnh đó, môi trường sản xuất, đầu tư kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ dân vượt qua khó khăn, duy trì phát triển, mở rộng sản xuất, thích nghi với tình hình mới. Năm 2023, tỉnh đã thu hút được 13 dự án đầu tư mới (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) với tổng vốn đăng ký khoảng 2.011 tỷ đồng; thành lập mới 300 doanh nghiệp, 61 hợp tác xã. Đồng thời, đã giải quyết việc làm cho 7.053 lao động, đạt 117,55% kế hoạch, tăng 14,2% so với năm 2021. Công tác giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch các năm, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong năm 2022 là 4,46% và 2023 giảm xuống còn 4,01%. Rõ nhất là ngành du lịch của tỉnh đã phục hồi và có khởi sắc, lượng khách du lịch đến tỉnh trong năm 2023 khoảng 1,3 triệu lượt, đạt 86,7% kế hoạch năm, cao gấp 4,2 lần so với năm 2021.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đồng bào các DTTS tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để đầu tư làm ăn, ổn định chỗ ở, tạo việc làm, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để thoát nghèo bền vững, làm giàu cho địa phương nói chung, ổn định kinh tế hộ gia đình nói riêng, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS, miền núi. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp các đối tượng vay vốn, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS đã phát huy tinh thần tự lực, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, hòa nhập và cùng phát triển.
Mặt khác, các chính sách như miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ người lao động đang làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động đã được thực hiện đầy đủ. Số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) được miễn, giảm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ trong năm 2022 là 241 tỷ đồng. Đã cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề có doanh số cho vay đạt 153 tỷ đồng với 3.371 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Plông đã được hỗ trợ dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định trả sau với tổng kinh phí khoảng 420 triệu đồng... Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Nhờ đó, đã góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực về tài chính cho người dân và doanh nghiệp sau dịch Covid-19, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Hiện nay, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024 tại Nghị quyết số 110/2023/QH15.
|
Để thực hiện có hiệu quả và phát huy hết giá trị, tầm quan trọng của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực vượt khó, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch số 462/KH-UBND ngày 18/2/2022 của UBND tỉnh và các chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Chủ động theo dõi, triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn các loại dịch bệnh lây nhiễm; thực hiện tốt công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Tài Lương