Công lý cho nạn nhân da cam
Sáng 22/8 giờ Paris (chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết giống với Tòa sơ thẩm Ervy trước đó về vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Vậy là vẫn chưa có phán quyết công bằng cho những tổn thương khủng khiếp mà nạn nhân chất độc da cam phải chịu đựng.
Có thể tóm tắt diễn biến vụ kiện qua các năm ngắn gọn như sau: Năm 2014, bà Trần Tố Nga- đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam- đệ đơn lên Tòa sơ thẩm Ervy (ngoại ô Paris, Pháp, nơi bà cư trú) kiện 14 tập đoàn, công ty hóa chất Mỹ (ban đầu là 26 công ty, sau đó có 12 công ty đã không còn hoạt động) vì đã sản xuất loại chất độc “giết người xuyên qua nhiều thế hệ” được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Ngày 10/5/2021, Tòa án Ervy ra phán quyết khẳng định họ không có thẩm quyền xét xử, với lý do các công ty bị buộc tội được hưởng “quyền miễn trừ tài phán”, và việc họ tuân theo lệnh của quân đội Mỹ cho phép loại trừ họ khỏi mọi trách nhiệm.
Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm ở Paris cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22/8/2024. Trước khi phiên tòa ngày 22/8 diễn ra, Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế kêu gọi Tòa án Phúc thẩm Paris đưa ra phán quyết công bằng, nhằm đảm bảo rằng các nạn nhân của chất độc da cam có thể nhận được sự bồi thường xứng đáng cho những tổn thương khủng khiếp mà họ đã phải chịu đựng.
Tuy nhiên, vào ngày 22/8/2024, Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết giống với tòa sơ thẩm Ervy.
|
Luật sư William Bourdon, luật sư chính của bên nguyên đơn Trần Tố Nga, cho biết: Tôi cảm thấy rất thất vọng về quyết định này. Tuy nhiên, điều đó không làm lung lay niềm tin của tôi vào lẽ phải của bên nguyên đơn, không làm hao mòn nghị lực của chúng tôi để tiếp tục đi tới.
Còn bà Trần Tố Nga phát biểu ngay sau khi nhận tin rằng sẽ tiếp tục kháng án lên tòa giám đốc thẩm tối cao.
Không thể nói là tôi không thất vọng, nhưng quả là tôi không bất ngờ. Mọi sự đều đã được lường trước. Nếu chân lý và lẽ phải luôn thắng, thì đất nước Việt Nam và người Việt Nam chúng tôi đã không phải gánh chịu hàng triệu lít chất độc da cam còn để lại hậu quả đến tận bây giờ- bà Trần Tố Nga nói.
Cần phải khẳng định rằng, rất khó khăn cho bản thân bà Trần Tố Nga và các luật sư khi đương đầu với những bị đơn có tài lực và thế lực vô cùng mạnh mẽ. Nhưng họ vẫn đang chiến đấu hết mình, làm tất cả những gì có thể để đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Vì sự bền bỉ và quyết tâm ấy mà bà Trần Tố Nga đã được gọi là “Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam”.
Ở cuộc chiến dài và đầy gian khó ấy, bà Trần Tố Nga và các cộng sự không hề đơn độc. Bởi xung quanh bà có hàng triệu nạn nhân da cam, trong đó có gia đình T., một người bạn thân thiết đã khuất của tôi thuở thiếu thời.
Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng quê yên ả. Dù thuộc một tỉnh Bắc miền Trung nắng gió, nhưng ngôi làng nhỏ bé ấy lại nằm trong một thung lũng, xung quanh là những dãy núi cao.
Nên nói như mẹ tôi, chiến tranh không với tới đây. Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ thỉnh thoảng dân làng mới phải xuống hầm cá nhân tránh máy bay Mỹ đánh cầu Hàm Rồng phải bay vọt qua để tránh đạn pháo của quân ta.
Nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự tàn độc của chiến tranh. Ở làng tôi, khoảng 2/3 gia đình có liệt sĩ, không kháng Pháp thì đánh Mỹ, rồi tham gia chiến tranh biên giới. Có ngày, hàng chục gia đình trong làng làm giỗ.
Nhưng đau đớn nhất vẫn là những gia đình phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Khi tôi còn nhỏ, trong đám bạn của mình có một số bị khuyết tật, nhẹ có nặng có.
|
Trong đó có T., ở cạnh nhà, bằng tuổi tôi. Chân và tay của T. teo tóp, không vận động được. Thế giới của T. là chiếc chiếu rách lỗ chỗ trải giữa nhà. Mỗi lần tôi chạy sang chơi, mắt cậu ta lại sáng lên.
Chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau bằng vốn cử chỉ ít ỏi của T. Cậu sẽ cười khi vui vẻ, gồng cứng người lên khi khó chịu, và lúc lắc đầu khi không hài lòng điều gì.
Chúng tôi tò mò hỏi người lớn vì sao T. lại bị như vậy, thì được trả lời do ảnh hưởng chất độc da cam. Dù không biết đó là chất gì, nhưng cách mà nó hiện diện trong trí óc và cuộc sống hàng ngày của chúng tôi rất tàn khốc, qua hình ảnh của T. và vài bạn khác.
Nghe kể lại, hồi chiến tranh, bố của T. đánh nhau ở miền Đông Nam bộ, rồi chiến trường Tây Nguyên. Khi ấy, ông cùng đồng đội thường xuyên qua lại những cánh rừng phủ một lớp chất lỏng do máy bay Mỹ rải xuống.
Giải ngũ về quê, lấy vợ sinh con, ông không có khái niệm về “chất độc da cam”, cho đến khi T. ra đời với tay chân teo tóp, còn ông bỗng nhiên cũng không còn sức lao động, tay chân cứ sưng lên, đau nhức.
Súng đạn không làm những chiến binh chùn bước, nhưng ông lại gục ngã khi đối diện với việc con trai duy nhất bị dị tật. Từ đó, ông sống trong đau khổ, khi phải thấy con mình không có tương lai bởi bệnh tật.
Tôi ra trường, vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thỉnh thoảng về quê, tôi lại sang thăm T, ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà và trò chuyện với cậu bằng những cử chỉ ít ỏi và khó khăn của T.
Tháng 5/2014, tôi nhận được tin T. mất. Cũng vào lúc ấy, ở nước Pháp xa xôi, bà Trần Tố Nga đệ đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ lên Tòa Tòa sơ thẩm Ervy, bắt đầu một trận đấu không cân sức và lâu dài.
Đến nay vẫn chưa có được một phán quyết từ lương tâm và trách nhiệm. Rất nhiều nạn nhân, như bạn tôi, đã không thể chờ đợi được nữa.
Nhưng lòng can đảm, sự quyết tâm và ý chí kiên cường của bà Trần Tố Nga truyền cho chúng ta niềm tin về thắng lợi trong hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Hãy ủng hộ hết lòng cho hành trình ấy!
Hồng Lam