Chuyển biến từ Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó tạo ra sức lan tỏa rộng lớn và những chuyển biến tích cực.
Ngay từ khi triển khai Cuộc vận động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, gắn với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Theo đó, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng 3 mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (2 mô hình) và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei (1 mô hình). Trong đó, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng triển khai Cuộc vận động cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, ban quản lý các thôn (làng), nhấn mạnh về phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ các hủ tục, ăn ở hợp vệ sinh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, huy động được trên 1,5 tỷ đồng (trong đó kinh phí Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng, kinh phí huy động đối ứng từ người dân trên 220 triệu đồng), tổ chức khảo sát, lựa chọn 31 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 28 căn nhà, hỗ trợ 3 hộ chăn nuôi heo.
|
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở nguồn kinh phí do Trung ương phân bổ, đồng thời bố trí nguồn kinh phí từ địa phương để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội để hỗ trợ cho đồng bào DTTS, trong đó nổi lên một số mô hình điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS mua bảo hiểm y tế (BHYT) cũng được quan tâm thực hiện, qua đó thực hiện cấp bảo hiểm y tế (BHYT) cho 100% người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, có 54.450 lượt người được hỗ trợ thẻ BHYT, năm 2022, có 78.977 lượt người nghèo, người cận nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT. Trong6 tháng đầu năm 2023, có 60.229 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT.
Ban thường vụ các huyện, thành ủy đã chỉ đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố; đảng ủy các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn duy trì và xây dựng được 562 mô hình hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Các mô hình đã huy động được trên 35,4 tỷ đồng, hỗ trợ, giúp đỡ 12.682 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, qua 2 năm thực hiện, Cuộc vận động đã giúp 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo; có 25.035 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 99,04%) được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; cuối năm 2022, có 6.115 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
Với những kết quả đạt được, tin rằng trong thời gian tới, Cuộc vận động sẽ ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào DTTS tiếp tục vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng tỉnh ta ngày càng phát triển.
Văn Tùng