Chiến thắng Măng Bút - Thắng lợi to lớn của quân và dân các dân tộc huyện Kon Plông
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Măng Bút, phóng viên Báo Kon Tum đã phỏng vấn đồng chí Đặng Quang Hà- Chủ tịch UBND huyện Kon Plông về vai trò, ý nghĩa của Chiến thắng Măng Bút và công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Kon Plông ngày càng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Phóng viên: Thưa đồng chí! Chiến thắng Măng Bút là dấu son chói lọi của quân, dân các dân tộc xã Măng Bút nói riêng và của huyện Kon Plông nói chung, xin đồng chí cho biết, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của chiến thắng này?
Đồng chí Đặng Quang Hà: Trong giai đoạn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chiến dịch giải phóng Măng Bút là chiến dịch quan trọng sử dụng toàn bộ cán bộ, chiến sĩ lực lượng bộ đội thường trực và dân quân du kích của lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum; trong đó, nòng cốt là Tiểu đoàn 406 của tỉnh và lực lượng dân quân du kích trên địa bàn huyện H29 (huyện Kon Plông ngày nay).
Lực lượng dân quân du kích trên địa bàn huyện H29 đóng vai trò quan trọng đánh căng kéo, kìm giữ, tiêu hao sinh lực địch, đồng thời là lực lượng chủ chốt đảm bảo hậu cần cho chiến dịch.
|
Chiến thắng Măng Bút là chiến thắng của thế trận lòng dân. Nó thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong việc giác ngộ và giáo dục quần chúng đi theo cách mạng, sự vận dụng tài tình các thứ quân thành một sức mạnh tổng hợp, mà tiêu biểu là sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của sự đoàn kết, quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù, cho dù đó là kẻ thù mạnh hơn nhiều về quân số, vũ khí tối tân hiện đại.
Chiến thắng Măng Bút đã khẳng định thêm về bài học kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật quân sự là lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, biết phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội địa phương và dân quân du kích; biết huy động sức mạnh toàn dân để đánh chắc, tiến chắc làm chủ từng phần và đi đến giải phóng hoàn toàn.
Từ giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đến giai đoạn chống Mỹ thống nhất đất nước, chiến thắng Măng Bút có vai trò đặc biệt quan trọng là thắng lợi có tính chất bản lề trong quá trình giải phóng tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Bắc Tây Nguyên nói chung.
Phóng viên: Phát huy truyền thống đấu tranh đó, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông đã nỗ lực quyết tâm xây dựng huyện nhà phát triển như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Quang Hà: 50 năm sau ngày chiến thắng, chặng đường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông nói chung và xã Măng Bút nói riêng đã trải qua vô vàn gian khó. Bước ra từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, quân và dân huyện nhà đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua tất cả, vững bước đi lên, tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, lạc hậu, mù chữ, bệnh tật, chống âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đến nay, đối với xã Măng Bút, xã đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Sự nghiệp giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư đúng mức. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. An ninh luôn được giữ vững. Đặc biệt, xã Măng Bút phấn đấu xây dựng và về đích nông thôn mới vào năm 2024.
Đối với huyện Kon Plông, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, kinh tế-xã hội của huyện đã có những bước phát triển đáng kể. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tổng giá trị sản xuất đến năm 2023 đạt 4.152 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 278,8 tỷ đồng.
|
Đến nay, toàn huyện có khoảng 4.290,9ha cây lâm nghiệp, 2.611ha cây dược liệu, 1.228,5ha cây ăn quả, 748,9ha cây cà phê xứ lạnh; 11 nhà máy thủy điện; 100% số xã có đường ô tô đi được 2 mùa, trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được sử dụng công trình nước sinh hoạt; 100% trường lớp học được kiên cố hóa; có 18 trường đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,38%.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có 132 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ, với có 1.200 phòng đảm bảo cho hơn 5.500 khách lưu trú/ngày đêm. Số lượng khách du lịch đến địa bàn huyện trong năm 2023 là 1.000.000 lượt khách và trong 7 tháng đầu năm 2024 là 955.000 lượt khách.
Phóng viên: Tiếp tục phát huy thành tích đạt được, thời gian tới, huyện có những giải pháp và mục tiêu như thế nào để thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống đấu tranh của cha ông, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Quang Hà: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025), trong thời gian tới, huyện tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu.
Đó là, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nông hóa thổ nhưỡng trên địa bàn, phát triển vùng sản xuất phù hợp, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất; củng cố kiện toàn các hợp tác xã; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen; triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã; tăng cường công tác quản lý đất đai; quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Măng Đen; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện các dự án, nhất là các dự trọng điểm có tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển thương mại-dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia, chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách dân tộc, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường các biện pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đức Thành (thực hiện)