Chiến thắng Đăk Pék: Hồi ức những người trong cuộc
Mặc dù đã 50 năm trôi qua, nhưng những nhân chứng từng sống và chiến đấu góp sức làm nên chiến thắng Đăk Pék hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện Đăk Glei vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về sự kiện lịch sử này.
Đã thành thông lệ, ngày 16/5 về, những cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử của Chiến thắng Đăk Pék năm 1974 hiện đang sinh sống tại huyện Đăk Glei lại gặp gỡ ôn lại ký ức của một thời khói lửa. Những mái đầu đã bạc, nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt mang đậm nét của thời gian. Trong không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Pék, những cựu chiến binh không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về sự kiện lịch sử này.
Nhắc lại những ngày tháng chiến tranh hào hùng ấy, ông A Brẫy (75 tuổi, hiện là Bí thư Chi bộ, Già làng thôn Kon Liêm, xã Xốp) như sống lại thời thanh thiếu niên gian khổ nhưng rất tự hào của mình. Ông A Brẫy cho biết: Gia đình có truyền thống cách mạng, nuôi cán bộ nằm vùng, nên mới hơn 10 tuổi tôi đã làm nhiệm vụ liên lạc đưa công văn cho cách mạng. Lớn lên, tôi nhập ngũ đóng quân ở Đà Nẵng. Đến năm 1970 được phân công về lại Đăk Glei tham gia nhiều trận đánh, trong đó có những trận đánh lớn rất ác liệt năm 1970 và năm 1972. Khi đó bộ đội địa phương gặp rất nhiều khó khăn, thiếu gạo, thiếu muối, quần áo thì 2-3 năm mới phát một bộ đồ; thuốc men thiếu thốn, không có nhà cửa, suốt ngày đêm đều ở trong rừng nên đối diện với muỗi, vắt, sốt rét là chuyện thường. Lúc này vũ khí, đạn dược còn thô sơ, thiếu thốn nên đánh đồn, đánh chốt rất khó khăn. Nhưng với lòng quyết tâm chiến thắng kẻ thù, chúng tôi động viên nhau vượt qua mọi gian nan thử thách để đánh địch.
|
Sau thời gian dài khảo sát, chuẩn bị, đêm 15/5/1974 đến sáng sớm ngày 16/5/1974 ta tổ chức đưa 1 trung đội của Đại đội 103 và du kích H30, trang bị 1 khẩu cối bao vây tiêu diệt tiền đồn 3 và 4 của địch. Bên cạnh đó, lực lượng Huyện đội H40 gồm có 1 trung đội của Đại đội 104 và du kích được trang bị 2 khẩu cối 82mm, 2 khẩu 60mm và 2 khẩu 12,7mm của Đoàn 260 tiêu diệt tiền đồn 5 (tức cao điểm 910). Đến khoảng 5 giờ sáng, lực lượng vũ trang của H40 đã làm chủ được cao điểm 910.
Sau khi sương mù bắt đầu tan, đúng 8 giờ Đoàn 260 (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) quyết định bắn pháo thẳng vào căn cứ Đăk Pék. Lực lượng của ta đồng loạt tấn công theo các hướng đã xác định. Chiều cùng ngày, người dân trong các ấp chiến lược vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và kéo nhau ra hướng Đông Nam quận Đăk Pék lúc bấy giờ để đón bộ đội.
Cũng trong dòng chảy ký ức, ông A Lơn - nguyên Bí thư Huyện ủy Đăk Glei nhớ lại: Với nhiệm vụ lúc bấy giờ tôi vừa chiến đấu vừa tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng cơ sở, kêu gọi quần chúng nổi dậy, ủng hộ cách mạng tiêu diệt địch giành quyền làm chủ. Lúc này, cụm cứ điểm Đăk Pék địch tổ chức phòng thủ thành hai tuyến. Tuyến ngoài gồm các tiền đồn và hệ thống ấp chiến lược. Tuyến trong là cụm cứ điểm chính và quận lỵ. Do nằm sâu trong vùng giải phóng, nên địch chú trọng củng cố, xây dựng thêm hệ thống công sự vật cản, hầm ngầm, nhà âm khá kiên cố, phức tạp. Cụm cứ điểm chính được bố trí theo hình tam giác, liên hoàn, bên trong hầu hết là hầm ngầm, nhà nửa nổi nửa chìm, giao thông hào có nắp gỗ đất dày từ 1,5m trở lên. Mỗi cứ điểm vừa đánh độc lập, vừa chi viện được cho nhau. Để ngăn chặn xe tăng ta, địch tăng cường hỏa lực chống tăng, đào hào chống tăng từ bờ sông vào trong hàng rào, bạt sườn đồi thành những vách cụt dựng đứng cao từ 1,2 - 1,5m. Bao quanh các cứ điểm là hệ thống rào thép gai và cành cây tre nứa, xen kẽ có nhiều bãi mìn chống bộ binh, xe tăng.
Chính vì thế, bộ đội ta chủ yếu đánh bằng hỏa lực dùng pháo bắn từ xa sau đó mới cho xe tăng, bộ binh tiến vào nên địch không thể chống cự được. Trong đánh trận Đăk Pék chủ yếu là bộ đội chủ lực, chúng tôi có nhiệm vụ tiếp quản, đón dân, giải phóng các cứ điểm địch chiếm đóng.
Chiến thắng Đăk Pék, đường chiến lược Đông Trường Sơn được khai thông vào chiến trường miền Nam. Nhờ đó đã rút ngắn được tuyến vận chuyển đường xe cơ giới và hệ thống đường ống xăng dầu phục vụ chiến đấu và chuẩn bị các chiến dịch lớn vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trận Đăk Pék không những để lại nhiều kinh nghiệm quý mà còn đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực Tây Nguyên với lực lượng vũ trang địa phương, góp phần quan trọng cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định xây dựng kế hoạch giải phóng Tây Nguyên và miền Nam.
Bảo Châu