Chật vật xác thực sinh trắc học bằng điện thoại
Từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng một ngày sẽ phải xác thực sinh trắc học. Người dùng có thể tự bổ sung thông tin qua ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên, quá trình bổ sung thông tin lại không dễ.
Trong những ngày tháng 6, tôi liên tục nhận được thông báo của các ngân hàng mà tôi là khách hàng về việc bổ sung thông tin sinh trắc học.
Tất nhiên tôi biết đây là yêu cầu mang tính bắt buộc, nhằm đáp ứng Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước đối với các giao dịch từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày.
Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng một ngày sẽ phải xác thực sinh trắc học.
Quá trình xác thực này sẽ được so sánh với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Nói một cách dễ hiểu, việc bổ sung thông tin sinh trắc học nhằm tránh việc người thực hiện giao dịch không chính chủ, cũng có nghĩa là để đối phó với tình trạng lừa đảo, “đánh cắp” tiền trong tài khoản.
|
Xác định rõ việc làm này có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, cả về mặt bảo mật thông tin cá nhân cũng như quyền lợi kinh tế, nên tôi quyết định thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học ngay khi nhận được thông báo đầu tiên.
Theo hướng dẫn, người dùng có thể tự thực hiện việc bổ sung thông tin sinh trắc học trên smartphone theo ba bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; quét NFC trên CCCD gắn chip; quét gương mặt và xác thực OTP.
Tôi đã thực hiện đúng hướng dẫn ấy. Các bước đầu như chụp ảnh CCCD (mặt trước và mặt sau), quét gương mặt (cả quay phải, nháy mắt) đều diễn ra bình thường, nhưng đến phần quét NFC thì bắt đầu gặp trở ngại. Dù đã loay hoay xoay trở đủ kiểu, máy vẫn báo lỗi đọc thẻ không thành công.
Sau nhiều lần như vậy, tôi thấy nản nên dừng. Đến sáng 1/7, tức là ngày mà quy định tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, tôi và một số đồng nghiệp quyết định đăng ký lại.
Nhưng có cố gắng đến toát mồ hôi thì tôi vẫn không xác thực sinh trắc học ngân hàng thành công, dù vẫn thực hiện theo các bước như hướng dẫn.
Tham khảo trên mạng, tôi thấy có các lưu ý về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như thao tác sai, thiết bị lỗi, điện thoại không có tính năng đọc NFC, nên tự kiểm tra lại và thấy mình tuân thủ đúng các thao tác; điện thoại có tính năng đọc NFC; CCCD được bảo quản tốt, không bị mờ. Như vậy là có thể loại bỏ các yếu tố chủ quan.
Không chỉ có tôi, mà mấy đồng nghiệp cũng vậy, loay hoay đến mệt nhoài vẫn không thể hoàn thành bước quét NFC trên căn cước công dân.
Có người đã kết nối rồi, đã có thông báo đang đọc dữ liệu rồi, nhưng mãi không được, sau đó nhận thông báo “có lỗi với thông tin của bạn”.
Hỏi thăm bạn bè, một số người cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng, nhưng cũng không ít người phản ánh tình trạng gặp khó khăn, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD, khiến xác thực sinh trắc học không thể hoàn thành.
Anh bạn tôi nghe tôi kể thì động viên rằng hãy cố gắng thêm… vài chục lần nữa, biết đâu sẽ làm được.
Tôi quét trên app ngân hàng với Iphone 15 mà phải làm mấy chục lần mới được. Ở đây là đã xác định được vị trí NFC rồi đó, để cố định CCCD trên bàn, mà quét đi quét lại vài chục lần vẫn không thành công. Hên sao làm tới lần thứ ba mươi mấy thì được- anh kể với giọng hài hước.
Theo khảo sát của VnExpress từ ngày 24/6, có tới 87% trong tổng số hơn 14.000 độc giả bình chọn gặp khó khăn khi quét CCCD bằng smartphone. Chỉ 13% cho biết thao tác diễn ra bình thường. Một số độc giả thử nhiều cách không được và cho rằng chip NFC trên CCCD gặp trục trặc.
Theo giải thích của các chuyên gia, có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình quét NFC là vấn đề kỹ thuật và hành vi của người dùng. Về mặt kỹ thuật, lỗi chip rất ít khi xảy ra. Thay vào đó, việc người dùng chưa hiểu rõ vị trí đặt chip và cách quét NFC là nguyên nhân chính gây ra lỗi.
Để quá trình quét NFC thành công, người dùng cần cố định chip trên CCCD đúng vị trí đọc của smartphone, giữ thiết bị đủ gần và đủ lâu để điện thoại có thời gian đọc. Việc liên tục di chuyển CCCD sẽ làm quá trình kết nối bị ngắt quãng, gây ra lỗi không thể xác thực.
Ngoài ra, người dùng cũng cần tháo ốp lưng hoặc các phụ kiện trên thiết bị để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình kết nối.
|
Về mặt lý thuyết, sinh trắc học được sử dụng để thay thế hoặc bổ sung cho các phương pháp xác minh danh tính truyền thống như mật khẩu hoặc mã pin. Phương pháp này sử dụng công nghệ tiên tiến để thu thập và phân tích đặc điểm sinh học của con người và lưu trữ chúng trong một cơ sở dữ liệu. Do vậy, việc bảo mật sinh trắc được đánh giá là an toàn và thuận tiện.
Khi giao dịch ngân hàng trực tuyến, thay vì phải nhập mật khẩu hay mã PIN truyền thống, việc sử dụng các đặc điểm sinh học độc nhất của mỗi người như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói để xác minh danh tính người dùng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ giả mạo, sao chép thông tin thẻ, giảm thiểu rủi ro lộ thông tin, bảo vệ tài khoản khỏi truy cập trái phép.
Việc bổ sung thông tin sinh trắc học được cho là khá thuận lợi và dễ dàng, khi có thể tự thực hiện trên điện thoại của mình, chỉ cần có căn cước công dân gắn chip và điện thoại đọc NFC.
Tuy nhiên, với những gì gặp phải, có lẽ tôi nên đến quầy giao dịch của ngân hàng để thực hiện. Vì dù sao thì cũng đã đến ngày 1/7.
Hồng Lam