Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ công nhân
Giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của Cách mạng Việt Nam, luôn giữ vai trò, vị trí trung tâm, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Qua các giai đoạn cách mạng, giai cấp công nhân đã không ngừng lớn mạnh và có vai trò to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5) cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng và tổ chức Công đoàn Kon Tum nói chung cùng nhìn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân, khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của xã hội.
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền công nông được thành lập trên cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiếp thu tinh thần tại Hội nghị Công nhân cứu quốc ở Trung bộ, ngày 28/10/1945, tổ chức Công nhân cứu quốc ở Kon Tum được thành lập hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và Điều lệ Hội Công nhân cứu quốc Việt Nam.
Hội cũng là thành viên nòng cốt quan trọng của Mặt trận Việt Minh Kon Tum. Chính vì vậy, ngày 28/10/1945 được chọn là ngày truyền thống của Công đoàn tỉnh Kon Tum.
|
Sau khi thành lập, Hội Công nhân cứu quốc tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Hội Công nhân cứu quốc của các cơ quan trong lực lượng cách mạng Kon Tum lần lượt ra đời, toàn bộ công nhân lao động trong các nhà máy công sở, hội đoàn khác trước đó đều được tập hợp vào sinh hoạt trong Hội. Những cán bộ chủ chốt được cử đi dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày do Mặt trận Việt Minh tỉnh mở để nắm đường lối chính sách của Việt Minh, của Đảng và Chính phủ và tuyên truyền lại cho công nhân.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, ngày 20/6/1946, Hội nghị Cán bộ công nhân cứu quốc tại Hà Nội đã quyết định đổi tên Hội thành Công đoàn và thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau đó, tại Kon Tum, Công đoàn cơ sở được thành lập thay thế các chi hội Công nhân cứu quốc trước đây.
Ở thời kỳ này, công nhân lao động Kon Tum đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, các đội tuyên truyền công tác được đông đảo cán bộ, công nhân tham gia. Các trại kinh tế được xây dựng nhằm tự túc lương thực và tạo việc làm cho con em trong các cơ quan. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến, với nghề rèn truyền thống, Kon Tum đã thành lập các xưởng quân giới chế tạo vũ khí thô sơ trang bị cho bộ đội, dân quân du kích.
Cùng với đó, phong trào lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện dân sinh cũng phát triển mạnh. Trên địa bàn các huyện, diện tích sản xuất tăng 40-50% so với trước, qua đó xuất hiện những đoàn xung phong sản xuất, nòng cốt là cán bộ cơ quan, công nhân lao động. Năm 1950, cả tỉnh thành lập được 52 đoàn, thu hút gần 1.500 đoàn viên tham gia tích cực.
|
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân, viên chức, Kon Tum là địa bàn đầu tiên ở Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng, đã tạo khí thế và tiềm lực để Đảng bộ, cán bộ, công nhân, lao động Kon Tum vững tin bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ở giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Kon Tum, Công đoàn giải phóng chưa được tổ chức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào công nhân từng bước được củng cố và phát triển. Phong trào công nhân trong vùng tạm bị chiếm đã xây dựng được nhiều cơ sở tin cậy, công nhân viên chức sẵn sàng ủng hộ cách mạng, đồng thời vận động nhân dân hỗ trợ về phương tiện, lương thực, thuốc men, đấu tranh với địch dưới nhiều hình thức.
Sau giải phóng, đến tháng 9/1975, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 công đoàn cơ sở, 35 công đoàn bộ phận, 106 tổ công đoàn và 44 tổ nữ công. Cuối năm 1975, tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành lập, Công đoàn Kon Tum hợp nhất vào Ban Công vận tỉnh Gia Lai-Kon Tum, từ đây, đội ngũ đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động Kon Tum và Gia Lai cùng kề vai, chung sức xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
Khi mới hợp nhất, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Gia Lai-Kon Tum có trên 15.000 người. Từ năm 1976, công tác khai hoang, định canh, định cư ở Gia Lai-Kon Tum được đẩy mạnh, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, phát động công nhân, viên chức cùng với nông dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất.
Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay toàn tỉnh Kon Tum có hơn 37.800 công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ), trong đó có hơn 34.300 đoàn viên công đoàn; 892 công đoàn cơ sở (CĐCS). Đặc biệt, các cấp công đoàn với vai trò là tổ chức đại diện của người lao động đã thường xuyên tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân như Chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an”; “Tháng Công nhân”, ủng hộ “Mái ấm công đoàn”.
Ngày Quốc tế Lao động cũng là bắt đầu thời điểm Tháng Công nhân. Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” với nhiều hoạt động như: Chương trình “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”; Tổ chức “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”; Triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu; Chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”. Qua đó giúp phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ đoàn viên, người lao động trong hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo việc làm và cải thiện thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.
Văn Tùng