Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương
Với một gia đình xảy ra bạo lực, ta có thể can ngăn hành vi này một lần, hai lần, ba lần, nhưng sẽ không can ngăn được mãi, và sau đó sẽ trở lại như cũ. Bạo lực gia đình chỉ có thể chấm dứt bằng vun đắp yêu thương.
Mỗi tối, tôi thường nghe tiếng chửi phát ra từ nhà hàng xóm. Sau đó là tiếng khóc của phụ nữ, trẻ em, tiếng đồ đạc loảng xoảng. Và cả xóm đều biết, vậy là chị P. lại bị chồng đánh.
Chị P. buôn bán rau ở chợ. Tính tình chị xởi lởi, hiền lành, thân thiện nên cả xóm ai cũng quý. Trước đây anh chồng cũng hiền lành, chỉ có cái cục tính, thỉnh thoảng có bốp chát với vợ con, nhưng không thấy đánh bao giờ.
Nhưng sau dạo theo bạn bè đi làm ăn xa thất bại trở về thì anh chồng thay đổi tính nết, bỏ bê chuyện làm ăn, hay nhậu nhẹt say xỉn, thêm chuyện bài bạc. Cuộc sống đã khó càng thêm khó.
Cũng từ đó, tình trạng bạo lực diễn ra gần như mỗi ngày. Thua bài- đánh; nhậu say- chửi, đánh; đi về chưa có cơm ăn- chửi, đánh. Chuyện thường xuyên đến mức chị P. kể về chuyện bị chồng đánh cứ thản nhiên như đang kể chuyện buôn bán rau ngoài chợ mỗi ngày.
Có hôm, thấy chị P. hớt hải chạy ngoài đường, tôi mở cổng kêu chị vào nhà trú tạm, nhưng chị xua tay “em mà vào, ổng lại kiếm cớ chửi anh nữa, em tránh tạm ngoài này ”.
|
Ban đầu, cả xóm xúm lại tìm cách khuyên ngăn, nhưng “phản tác dụng”. Chẳng những chị P. vẫn bị đánh, mà trong cơn say, anh chồng còn chửi bới, đe dọa những người đến can ngăn.
Của đáng tội, mỗi lần như thế, chị P. lại khóc lóc xin mọi người đừng đến giúp nữa, cũng đừng báo chính quyền hay công an, vì thấy xấu hổ lắm. “Thôi thì mỗi nhà mỗi cảnh. Số em nó vậy thì em ráng chịu đựng cho yên cửa yên nhà”- chị nói.
Khuyên chị P. đi “nhà tạm lánh” tránh tạm, chị cũng lắc đầu: Tạm lánh được hôm nay thì ngày mai em cũng phải về nhà chứ đâu thể ở đó mãi?
Thế nên mọi người cũng nản, không chạy tới mỗi khi xảy ra chuyện nữa. Chỉ xót cho mấy đứa nhỏ. Mỗi lần bố chửi hay đánh mẹ là rúm lại với nhau khóc; hiếm khi thấy chúng cười.
Trước khi kể câu chuyện này, tôi có xin phép chị P.. Chị gật đầu, nhưng đề nghị không viết rõ tên, địa chỉ, vì “xấu chàng thì hổ ai, hơn nữa, viết lên nhỡ chồng em bị xử phạt, thì lấy đâu ra tiền mà nộp”.
Có thể thấy rằng, dù ngành chức năng và chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống, ngăn ngừa, xử lý bạo lực gia đình, nhưng vấn nạn này vẫn có chiều hướng gia tăng.
Bạo lực gia đình có khi công khai, khi ngấm ngầm bên trong mỗi gia đình. Bất cứ ai cũng có thể trở thành người gây bạo lực hoặc bị bạo lực, chủ yếu dưới dạng thân thể, tinh thần, kinh tế và tình dục.
Đối tượng bị bạo lực thường là người sống phụ thuộc và xảy ra trong gia đình có nếp sống không bình đẳng.
Bạo lực gia đình không chỉ vi phạm quyền cơ bản của con người, mà còn gây ra tác động đáng kể về sức khỏe và kinh tế. Cụ thể, tác động tức thời bao gồm tổn hại thể chất hoặc tinh thần, mất khả năng thực hiện công việc có lương hoặc không lương.
Thậm chí phải bỏ ra một số tiền lớn để chi trả cho việc sửa chữa và thay thế tài sản bị hư hỏng, từ dụng cụ bếp núc cho đến đồ dùng đắt tiền hơn, như điện thoại, ti vi hay xe máy.
Tác động lâu dài hơn bao gồm suy giảm chất lượng cuộc sống do tổn thương về thể chất và tinh thần, suy giảm năng suất lao động. Thậm chí, ở những gia đình có bạo lực, trẻ thường chịu ảnh hưởng tiêu cực tâm lý, thể chất trong quá trình trưởng thành.
Nguyên nhân của bạo lực gia đình được cho là do nhận thức, trình độ học vấn của một bộ phận người dân còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn; tính gia trưởng, độc đoán, trọng nam khinh nữ đang tồn tại ở nhiều người; cách giải quyết chưa phù hợp khi có mâu thuẫn, xung đột.
Điều đáng nói là, hầu hết số vụ bạo lực gia đình lại được các thành viên trong nhà tự hoá giải, thậm chí được coi là việc trong nhà dạy bảo nhau. Bạo lực diễn ra lâu dài đã tạo ra thói quen cam chịu, mặc kệ.
|
Từng theo dõi và viết về nạn bạo lực gia đình, tôi cho rằng, để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả hơn, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa, can thiệp giải quyết và can thiệp sau bạo lực.
Trong đó, để phòng ngừa, chú trọng tuyên truyền, giáo dục vận động nam giới và trẻ em trai- những đối tượng có nguy cơ cao hành xử bạo lực- chủ động tham gia vào quá trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp để có đủ kỹ năng xác định sớm những đối tượng có nguy cơ cao hành xử bạo lực hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và sẵn sàng can thiệp khi bạo lực xảy ra.
Có các địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ thiết yếu như chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội, sự bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp nhằm giúp nạn nhân có nơi trú ẩn an toàn khi cần.
Đây cũng là lúc thu thập thông tin về từng vụ việc cụ thể để cung cấp cho cơ quan chức năng khác xử lý khi cần can thiệp sau bạo lực.
Tất nhiên, để trị “tận gốc”, chấm dứt bạo lực gia đình thì “liều thuốc” tốt nhất chính là không ngừng vun đắp yêu thương, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Để làm được điều này, từng thành viên trong gia đình biết tôn trọng, nâng niu những giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, cùng có ý thức vun vén, xây dựng mái ấm gia đình thành “pháo đài” đủ sức tự vệ, không để các tệ nạn xã hội và lối sống thực dụng thâm nhập.
Thành Hưng