Câu chuyện về thuốc lá
Có lẽ chúng ta cần đổi mới, ít nhất là điều chỉnh phương pháp truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, khi mà người ta có thể đọc làu làu chúng trong khi đang… hút thuốc.
Theo số liệu của Bộ Y tế công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (tháng 12/2023), Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc.
Trong khi đó, tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc đang còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, nơi làm việc và một số nơi tập trung đông người.
Tin vui là, các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá đã và đang được triển khai như thực hiện môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cũng dần phát huy hiệu quả.
Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc được nâng lên. Tỷ lệ người bỏ thuốc lá tăng dần; tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên giảm đáng kể.
Ở tỉnh ta, một số liệu thống kê từ năm 2020, dù hơi lạc hậu, nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm, có 19,2% số người trên 15 tuổi hút thuốc; 37% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc.
|
Nhân một cuộc vui của nhóm bạn, chúng tôi tự thống kê với nhau và phát hiện ra rằng, trong 11 người thì 100% từng hút thuốc lá. Trong đó có 70% được xếp loại “nghiện”, số còn lại “thích thì hút, không thích thì thôi”, tức “không nghiện”.
Điều đáng mừng là, đến nay đã có 7/11 người bỏ thuốc lá thành công. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là thuyết phục những người còn lại bỏ thuốc lá, hay ít nhất là có suy nghĩ bỏ thuốc lá.
Nhưng đó là một việc rất khó khăn. Bởi chúng tôi nhận ra, việc truyền thông đơn thuần về tác hại của thuốc lá lâu nay hiện đã lạc hậu và không đem lại hiệu quả.
Bởi lẽ, ai cũng biết, đặc biệt người hút thuốc lại càng biết rõ, hút thuốc lá không những gây tổn thất về sức khỏe mà còn đem lại gánh nặng kinh tế cho mình, cho gia đình và cho cả xã hội.
Mọi người bắt đầu bàn nhiều về việc làm thế nào để một người nghiện thuốc hạn chế, tiến tới bỏ thuốc lá, từ những giải pháp vĩ mô đến những cách làm cụ thể nhất.
Về mặt pháp lý thì không cần bàn cãi nữa, chúng ta đã cả một hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện luật liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ký kết sớm nhất Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được ban hành và đi vào hiệu lực năm 2013 với những quy định mạnh mẽ về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế, đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các địa phương vận động đưa quy định hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là khâu quản lý việc bán thuốc lá còn khá lỏng lẻo. Theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Nhưng mua thuốc lá rất dễ, chỉ cần đến bất cứ cửa hàng tạp hóa, quán xá nào cũng mua được. Thậm chí có thể mua được cả trên mạng. Không chỉ người lớn, mà trẻ con cũng mua thuốc lá rất dễ dàng.
Bên cạnh đó, thị trường thuốc lá rất đa dạng sản phẩm và giá cả, đúng nghĩa “thượng vàng hạ cám”, có loại đắt, có loại rất rẻ. Mà thuốc lá giá rẻ chiếm đa số thị phần, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động.
|
Thuốc lá giá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên cũng như người nghèo. Theo Bộ Y tế, giá trung bình một bao thuốc lá nhãn hiệu phổ biến tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với giá bình quân của tất cả quốc gia, được cho là thấp nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Có nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng chốt lại, mọi người thấy cần phải siết chặt “đầu vào”, tức là phải quản lý chặt để “khó bán, khó mua”. Đồng thời đánh thuế thuốc lá nặng để tăng giá bán, khiến nhiều người muốn mua cũng phải… tiếc tiền.
Bài học từ Hàn Quốc cho thấy, khi tăng giá bán thuốc lá lên gần gấp đôi, số lượng thuốc lá tiêu thụ đã giảm 20,4%. Giá bán thuốc tăng đã giúp phần nào hạn chế người dân Hàn Quốc hút thuốc.
Phần còn lại là tác động từ các biện pháp như thực thi môi trường không khói thuốc; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; truyền thông tác hại, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện.
Tôi cho rằng, cần phải phát huy được vai trò của gia đình trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bởi xây dựng môi trường không khói thuốc cần bắt đầu từ mỗi mái nhà- Nguyễn Thanh Phương, một người trong nhóm nói.
Phương là người nghiện thuốc lá nặng nhất trong nhóm, nhưng là người bỏ thuốc lá sớm nhất.
Đó cũng là cách để bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi tác hại và sự “lôi kéo” của thuốc lá, như chúng ta đã từng bị- anh nói thêm.
Nghe vậy, tôi chợt nhớ ra, chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là "Bảo vệ trẻ em khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá".
Câu chuyện của Nguyễn Thanh Phương cũng rất đáng để suy ngẫm về chủ đề bảo vệ trẻ em trước thuốc lá. Năm nay anh 48 tuổi, nhưng “hít khói thuốc” từ nhỏ, bởi bố anh nghiện thuốc lá. Và anh bắt đầu hút thuốc lá khi mới 13 tuổi, tức là khi đang học cấp II (bây giờ là THCS).
Phương chia sẻ rằng bản thân cũng không biết nghiện thuốc lá từ khi nào. Tuổi thơ anh gắn với ngôi nhà ám khói thuốc lá, những bữa ăn cũng ám khói thuốc lá nốt, bởi bố anh luôn đặt điếu thuốc cháy dở bên mâm cơm.
Bố anh hay kêu con đi mua thuốc lá cho ông ấy. Hôm nào có tiền thì mua thuốc lá đầu lọc, hết tiền thì mua thuốc rê về tự cuốn để hút.
Thỉnh thoảng bận gì đấy, ông còn bảo con trai mồi thuốc cho ông. Ban đầu ho sặc sụa, sau quen dần, thay vì đưa điếu thuốc cho bố sau khi mồi, Phương còn tranh thủ kéo vài hơi.
“Bố tôi chỉ cười, không trách mắng hay can ngăn gì, cứ như khuyến khích vậy. Dần dà tôi nghiện thuốc lá khi nào không hay- Phương nhớ lại.
Phương tiếp tục hút thuốc khi đi học cấp III, rồi vào đại học lại càng hút khỏe, bởi thức đêm, bởi phần lớn bạn bè của anh cũng hút thuốc và thuốc lá có bán ở mọi nơi.
Vào một ngày, anh giật mình khi bắt gặp đứa con trai đang độ tuổi “nổi loạn” của mình lén hút thuốc lá trong nhà tắm. Cu cậu nói thấy bố hút thuốc lá “rất ngầu”, và muốn bắt chước.
Nhìn cu cậu ho sù sụ vì không quen, lần đầu tiên Phương thấy điếu thuốc thơm tho trên tay trở nên đắng ngắt. Và lần đầu tiên, trong Phương dội lên ý nghĩ thực hiện môi trường trong lành, không khói thuốc ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình.
Bây giờ, một trong những điều mà Phương tự hào nhất là đã cai được thuốc lá, và sẽ không bao giờ hút thuốc trở lại.
“Là một người từng nghiện thuốc, tôi biết việc bỏ thuốc lá khó khăn như thế nào. Nghiện ngập là một thử thách rất khó vượt qua, nhưng chúng ta có thể làm được, nếu chúng ta quyết tâm”- anh nói.
Tôi đồng tình với anh!
Hồng Lam