Câu chuyện nước sạch
Hàng xóm kéo vòi ra xịt rửa sân, rồi đường hẻm, anh H. nhắc nhẹ rằng làm như thế là đang lãng phí nước thì bị “vặc” lại: Tôi dùng thì tôi trả tiền, việc quái gì đến ông?
Nếu là nước giếng thì kệ ông, nhưng đây là nước máy- anh H. tính nói lại, nhưng rồi cố nín nhịn. Phần vì tính anh vốn kiệm lời, ngại đôi co mất hay, phần vì để giữ hòa khí.
Dù thế, anh vẫn thấy ấm ức trong bụng, mỗi khi nhớ lại cảnh dòng nước chảy tràn từ sân ra đường. “Sao lãng phí thế không biết. Trong khi ở nhiều nơi khác bà con không có nước để dùng”- anh lầm bầm.
Nắng nóng khốc liệt kéo dài đã làm cho nhiều vùng trong tỉnh đối mặt với hạn hán, thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Theo số liệu thống kê của các địa phương, đến nay đã có khoảng 112ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước tưới; nhiều hồ đập chỉ còn ở mực nước chết.
Về nước sinh hoạt, khoảng 117 giếng nước ở thành phố Kon Tum bị cạn, khô. Trong nội thành thành phố Kon Tum, các hộ dân ở hàng loạt tuyến đường như Duy Tân, Lê Hồng Phong, Ure, Ngô Quyền, Huỳnh Đăng Thơ, Trường Chinh, Nguyễn Trường Tộ chịu cảnh thiếu nước, cắt nước nhiều ngày qua.
Nói đâu xa, gia đình ông anh của anh H. ở đường Duy Tân bị cắt nước cả tuần lễ nay. Không có nước sinh hoạt, cuộc sống đảo lộn hết cả. Cứ chiều chiều là cả nhà rồng rắn chở nhau lên nhà anh H. để tắm giặt.
|
Quá bức xúc, nhiều người dân “lên án” Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum (KOWACO). Đây là doanh nghiệp duy nhất cung ứng nước sinh hoạt cho thành phố Kon Tum (với khoảng 18.021 hộ dân, chiếm 64,95% tổng số hộ nội thành).
Thôi thì đủ kiểu, trách móc nhẹ nhàng có, châm biếm sâu cay có, nhưng nhiều hơn cả là bốp chát chẳng kiêng dè gì, kiểu “có mỗi việc bơm nước sông lên bán mà cũng làm không nổi”.
Cũng có những ý kiến cho rằng không nên “trăm dâu đổ đầu tằm”, mà nên chia sẻ với doanh nghiệp. Vì hạn hán kéo dài, nguồn nước sông Đăk Bla cạn kiệt, hạ tầng chưa đảm bảo nên không thể cung cấp nước theo nhu cầu trong mùa khô hạn.
Đồng thời đề nghị doanh nghiệp quan tâm thay thế các máy bơm, cải tạo khu xử lý nước, nâng công suất nhà máy. Về lâu dài, có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm nhà máy nước.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp thì lý giải rằng, do biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan dẫn đến nguồn cung cấp nước cạn kiệt.
Đặc biệt, trong quá trình vận hành, các thủy điện trên thượng nguồn sông Đăk Bla chưa đảm bảo lượng lưu nước cho hạ lưu như cam kết nên mực nước sông Đăk Bla xuống thấp hơn mức an toàn, dẫn đến trạm bơm của nhà máy không thể vận hành đúng công suất, dẫn đến không cung cấp đủ nước, dù nhà máy phát huy hết công suất.
Hơn nữa, do nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân nhiều và cùng một lúc, điều đó, khiến lượng nước chứa trong các bể chứa tại Công ty xuống thấp, do đó, áp lực nước cung cấp chỉ đến được tại vòi nước, chân công trình.
Nhưng theo anh H., điều đáng lên án là vẫn còn tình trạng lãng phí nước ở không ít người ở các vùng thuận lợi, trong khi người dân nhiều nơi đang chắt chiu từng ca nước trong đỉnh điểm khô hạn. Như câu chuyện mà anh H. gặp phải.
|
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1408/UBND-NNTN yêu cầu các chủ hồ đập thủy điện trên lưu vực sông Đăk Bla (thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, Hồ chứa cắt lũ kết hợp phát Đăk Bla, thủy điện Đăk Pô Ne, Đăk Pô Ne 2) thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, phải đảm bảo duy trì lưu lượng xả thường xuyên, liên tục sau đập không nhỏ hơn 7,16m3/s và lưu lượng xả trung bình ngày ở sau nhà máy không nhỏ hơn 19,2m3/s theo giấy phép được cấp.
Phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum xác định thời gian mực nước tại bể hút trạm bơm cấp I thấp để xả một phần lưu lượng của hồ chứa (qua nhà máy) nhằm duy trì chiều sâu cột nước tại bể hút trạm bơm để bơm cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân thành phố Kon Tum.
Về phía Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum, tổ chức lắp đặt cột mốc thủy chí, camera giám sát mực nước tại vị trí bể hút của trạm bơm cấp I, cung cấp ID cho Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Bla để phối hợp điều tiết vận hành hồ chứa.
Nghiên cứu có các giải pháp công trình (thu nước, xử lý và trữ nước) trước mắt và lâu dài để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan như hiện tượng El Nino đang diễn ra và những năm hạn hán có khả năng xảy ra.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt. Khu vực các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện tốt và nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống hạn hán; đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Trong đó, các nhà máy thủy điện thuộc lưu vực sông Đăk Bla phải tuân thủ nghiêm kế hoạch điều tiết, vận hành các hồ thủy điện để bảo đảm nguồn nước cho hạ du, nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Trong quá trình ấy, các sở liên quan cần theo dõi chặt việc tuân thủ của các nhà máy thủy điện, thông qua việc giám sát thông số mực nước hồ chứa, lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu.
KOWACO Kon Tum cần khẩn trương xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn. Nhất là có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn, từng khu vực, không loại trừ cấp nước luân phiên và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt.
Bên cạnh đó, tiết kiệm nước cần trở thành một nhiệm vụ ưu tiên, bằng hành động cụ thể, thiết thực của mọi người, mọi nhà.
Hồng Lam