Cảnh báo giả mạo nhân viên cơ quan BHXH
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng đối tượng giả mạo nhân viên cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) gọi điện thoại cho người dân yêu cầu chỉnh sửa thông tin về BHXH nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tháng 5/2024, nữ kế toán của 1 đơn vị trường học đề nghị giấu tên tại địa bàn huyện Sa Thầy nhận được cuộc gọi đến từ một phụ nữ tự xưng là nhân viên BHXH thông báo về trường hợp số căn cước công dân của chị trên hệ thống BHXH không trùng khớp với số căn cước công dân do cơ quan công an cung cấp.
Đối tượng tự xưng là nhân viên BHXH nói rằng, cơ quan BHXH đã gửi tin nhắn SMS qua điện thoại thông báo về trường hợp sai số căn cước công dân trên hệ thống BHXH cho chị từ ngày 30/4/2024 và trong tin nhắn có kèm theo mã xác nhận là 6 số tự nhiên.
Sau đó đối tượng khẳng định với nữ kế toán, qua kiểm tra trên hệ thống BHXH chưa thấy số căn cước công dân của chị được chỉnh sửa; và, tiếp tục “chiêu bài dụ dỗ ngon ngọt” liên quan đến quyền lợi của chị rằng, “do đó chúng tôi (đối tượng giả mạo nhân viên BHXH) phải gọi điện thông báo để chị thực hiện thủ tục thay đổi, cập nhập lại số căn cước công dân cho chính xác nhằm giúp chị được hưởng đầy đủ và kịp thời các quyền lợi khi tham gia BHXH”.
|
Sau khi nữ kế toán trả lời là chưa nhận được tin nhắn thông báo và mã xác nhận từ cơ quan BHXH, người tự xưng là nhân viên BHXH cung cấp số điện thoại cá nhân 0975.218.342 có sử dụng mạng xã hội zalo và nói với chị liên lạc qua số điện thoại này để được hỗ trợ lấy lại mã xác nhận mới. Để lấy lòng tin, đối tượng này cũng giả vờ nói rằng, chị cũng có thể đến cơ quan BHXH tỉnh tại địa chỉ số 91, đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum (đây là địa chỉ không chính xác), để làm thủ tục cập nhập lại số căn cước công dân của mình.
Với tinh thần cảnh giác, nữ kế toán đã tắt điện thoại và không làm theo hướng dẫn của đối tượng tự xưng là nhân viên BHXH. Sau đó gọi điện thoại đến BHXH tỉnh trình báo nội dung sự việc kể trên. BHXH tỉnh khẳng định, đơn vị không hề giao cho nhân viên BHXH làm việc này, đây là hiện tượng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên BHXH để lừa đảo. Đồng thời cảnh báo, mọi người cần cảnh giác, không làm theo hướng dẫn của đối tượng để không bị mất tiền trong tài khoản cá nhân, như một số trường hợp đã bị lừa trước đó.
Theo thông tin của BHXH tỉnh, từ đầu tháng 5/2024 đến nay, cơ quan tiếp nhận 6 trường hợp trình báo là cán bộ, người dân ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhận được cuộc gọi điện thoại đến từ những đối tượng lạ tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu liên hệ để chỉnh sửa thông tin BHXH.
Có 2 trường hợp bị đối tượng giả danh nhân viên BHXH lừa tiền, trong đó có 1 trường hợp đang công tác trên địa bàn thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) và 1 trường hợp đang công tác trên địa bàn xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum).
Cả 2 trường hợp kể trên đều sử dụng điện thoại thông minh để làm theo hướng dẫn của những đối tượng giả danh lừa đảo, và sau đó tài khoản ngân hàng điện tử bị rút mất tiền. Trường hợp cán bộ đang công tác trên địa bàn thị trấn Plei Kần bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 220 triệu đồng; trường hợp đang công tác trên địa bàn xã Đoàn Kết bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng.
Cơ quan BHXH tỉnh cho biết, ngoài 6 trường hợp trình báo của cán bộ và người dân trên, nhiều cán bộ, viên chức đang công tác tại chính cơ quan BHXH tỉnh cũng nhận được cuộc gọi điện thoại đến từ những đối tượng lạ tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu liên hệ để chỉnh sửa thông tin BHXH.
|
Ông Nguyễn Tấn Sang- Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định, ngay khi tiếp nhận các thông tin trình báo về việc bị các đối tượng giả danh nhân viên BHXH để lừa đảo, BHXH tỉnh kịp thời ban hành thông báo gửi đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về việc cảnh báo có đối tượng giả mạo nhân viên BHXH yêu cầu liên hệ chỉnh sửa thông tin BHXH. BHXH tỉnh cũng đã chỉ đạo cán bộ, viên chức trong hệ thống BHXH của tỉnh đăng tải thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân được biết.
Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường dùng là sau khi có thông tin số điện thoại, các đối tượng này tìm cách yêu cầu người nghe điện thoại kết bạn qua ứng dụng mạng xã hội để được hỗ trợ cung cấp lại mã xác nhận. Sau khi kết bạn qua các ứng dụng, các đối tượng sẽ nhắn tin rồi gửi đường link lạ và nói người nghe điện thoại bấm vào đường link lạ để lấy mã xác nhận, nhưng thực tế là lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ông Nguyễn Tấn Sang thông tin thêm, với trường hợp cần điều chỉnh đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch thì chỉ cần chuẩn bị Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Để điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH hay thẻ BHYT, các tổ chức, cá nhân đến các địa chỉ sau: Bộ phận một cửa của cơ quan BHXH tỉnh Kon Tum (Số 179 Ba Đình, thành phố Kon Tum); Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh (Số 70 Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum); bộ phận một cửa của cơ quan BHXH các huyện; hệ thống bưu điện của tỉnh, của các huyện.
Nhằm tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không kết bạn trên mạng xã hội với người lạ, không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân, nhận diện khuôn mặt cho người lạ. Khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi giả mạo nhân viên BHXH, người dân có thể trình báo với cơ quan Công an hoặc cơ quan BHXH tỉnh qua số điện thoại 02603.911.588 - 0949.229.239.
Đức Thành