Béo bùi hạt kơ nia
Ở giữa chợ phiên Măng Đen, lặng lẽ trên những chiếc mẹt đan bằng tre là những hạt màu nâu nâu, dèn dẹt kiểu dáng hình trái xoan, nhỏ cỡ tầm ngón tay út. Là lạ, người qua, kẻ lại đều hỏi thăm. Chủ các gian hàng xởi lởi, mời cô, mời bác nhón vài hạt ăn thử, hạt kơ nia nức tiếng trong bài hát “Bóng cây kơ nia” đấy.
Hạt kơ nia, mới nghe tên đã xao xuyến. Lại nhớ về loại cây biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, kiên trung của dân làng. Có bão táp, mưa sa, nắng hạn chẳng nề hà, cây vẫn cao vút, lá vẫn xanh tươi. Qua tháng, qua năm, rễ cây vươn xa hút sâu vào lòng đất, tạo nên không gian làng vừa yên bình, vừa lãng mạn, như câu hát chứa chan bao tâm tình “Em hỏi cây kơ nia, gió mày thổi về đâu?/Về phương mặt trời mọc/Mẹ hỏi cây kơ nia, rễ mày uống nước đâu?/Uống nước nguồn miền Bắc”.
Nhón tay bốc mấy hạt kơ nia mới được rang xong hãy còn nóng hôi hổi. Xoa xoa nhẹ, lớp vỏ áo nâu nâu bong ra, lộ nhân hạt bên trong màu trắng đục. Vừa đặt hạt kơ nia vào đầu lưỡi, nhai nhẹ, vị béo béo, bùi bùi dâng dâng. Ăn hạt rồi, lại muốn thêm hạt nữa… Ngẫm ngẫm hạt kơ nia hơi giống như hạt điều, hạt mắc ca, cũng béo béo, bùi bùi, nhưng cảm giác mộc mạc, trọn vị núi rừng hơn.
|
Hỏi thăm chị đang cần mẫn đảo đều tay rang hạt kơ nia bên bếp củi ngay cạnh mới biết, hạt kơ nia được rang bán thực ra là nhân. Còn trái kơ nia khá to. Trái chín rơi xuống đất và sau một thời gian lớp thịt vỏ tiêu biến đi, còn lại lõi cứng bên trong có màu đen, to bằng đầu ngón chân cái người trưởng thành. Lớp lõi cứng dày nên để lấy được phần nhân có màu nâu nâu, dèn dẹt, chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út, người làng phải kì công bóc tách. Vỏ dày cứng nên công đoạn bóc tách lấy hạt nhọc nhằn vô cùng. Nhọc nhằn vậy nhưng mà cứ đến mùa khô, đám trẻ ở làng mừng lắm, vì trái kơ nia bắt đầu chín rụng. Loanh quanh dạo chơi, chạy nhảy cả chiều bụng lưng lưng, đám trẻ lại rủ nhau kiếm hạt kơ nia. Dùng cả viên đá to, hì hụi ghè mãi mới vỡ được lớp vỏ dày cứng. Nhưng, như là phần thưởng xứng đáng cho bao nhọc nhằn, hạt kơ nia nho nhỏ bên trong lại ngon vô cùng, bổ sung bao dinh dưỡng, xoa dịu cơn đói đang dâng lên. Ngoài cách gọi hạt kơ nia, dân làng còn gọi là hạt cầy. Chỉ vì vỏ dày cứng quá nên khi rơi rụng xuống chỉ có con cầy với bộ răng sắc nhọn đủ sức bóc tách, hay nhẩn nha kiếm ăn, dân làng thấy vậy liền gọi là hạt cầy.
Từ thức ăn vặt của người làng, hạt kơ nia giờ đây được người gần, người xa biết đến. Đến mùa khô, dân làng mỗi khi rảnh rỗi lại rủ nhau đi nhặt hạt kơ nia. Nhặt được cả bao to chất chồng trên xe chở về làng, chịu khó ngồi chẻ vỏ cả ngày mỗi người cũng chỉ được tầm một, hai cân nhân hạt. Chẻ vỏ lấy nhân ngang đâu có thương lái thu gom đến đó, nên vất vả vậy mà ai cũng mừng.
Nào riêng gia đình chị, mấy năm nay cứ đến mùa này, dân làng có thêm nhiều niềm vui. Mùa kơ nia chín cũng là lúc sắp vào tết. Rảnh lúc nào người lớn, trẻ nhỏ đi nhặt trái kơ nia, chẻ vỏ lấy nhân, phần để mời khách ngày tết, phần đem bán cho thương lái. Có chút lộc núi rừng, dân làng để dành sắm sanh bộ quần áo mới cho con trẻ mặc tết, mua thêm thức nọ, thứ kia cho ngày tết ấm áp, sum vầy.
|
Thu gom, chẻ vỏ được một ít, chị đem ra rang ngay tại chợ phiên. Bếp củi liu riu, đảo đảo, rang rang, bán lai rai cả ngày. Chỉ nghe đến hạt kơ nia, người gần, người xa lại háo hức, lại thăm hỏi. Chị chân tình, loại hạt này dinh dưỡng cao, rất tốt cho da và tóc và đặc biệt là rất nhiều dầu nên chỉ rang bán trong ngày. Tết này, cô có mua để dành tiếp khách thì mua hạt còn sống, khi nào cần dùng chỉ cần bắc chảo lên bếp, cho hạt kơ nia vào đảo nhanh một chút, hay nhà có nồi chiên không dầu thì chỉ tầm 7 phút là có thưởng thức ngay. Đó là rang mộc. Tùy theo khẩu vị từng người, cô có thể cho thêm chút muối để khi ăn thêm đậm vị.
Nghe chị kể chuyện mà lòng khấp khởi mừng thầm. Mừng cho chị, mừng cho dân làng chẳng quản ngại khó khăn, cần mẫn chắt chiu những sản vật trên vùng đất quê hương để dựng xây cuộc sống.
Kơ nia biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, kiên trung của dân làng. Kơ nia che bóng mát. Kơ nia cho hạt ngọt lành. Kơ nia - loại hạt dân dã, đậm hương vị núi rừng, cứ nhỏ xinh, lặng lẽ trên chiếc mẹt tre mà ngờ đâu lại thu hút khách gần, khách xa khi đến với chợ phiên Măng Đen đến thế.
Nguyên Phúc