Bảo vệ trẻ em nông thôn trước tai nạn đuối nước
Có vẻ như việc dạy bơi và kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ em nông thôn chưa được quan tâm mấy. Đã đến lúc cần đẩy mạnh các mô hình dạy bơi cho trẻ em nông thôn.
Tôi dành chút thời gian đi xem hội thi kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước dành cho trẻ em được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong 3 ngày 6-8/8. Phần vì thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, phần vì tò mò muốn biết trẻ em đã được dạy những gì về phòng đuối nước.
Hội thi diễn ra khá sôi nổi. Tại đây, các em “trình diễn” những kỹ năng về bơi lội; kiến thức, kỹ năng chống đuối nước (bơi an toàn, mặc áo phao đúng cách), và kỹ năng xử lý tình huống (cứu đuối dưới nước, cứu đuối gián tiếp từ trên bờ).
Từ sự tự tin trong các phần thi cho thấy, các em đã nắm được kiến thức cơ bản phòng, chống đuối nước; kỹ năng bơi an toàn, cứu đuối an toàn.
Đây thật sự là điều rất đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành về phòng, chống đuối nước “tận gốc”, nghĩa là trang bị kiến thức cho các đối tượng có nguy cơ đuối nước cao, đã phát huy hiệu quả.
|
Nhưng câu hỏi của một phụ huynh rằng “liệu có bao nhiêu trẻ em được trang bị kiến thức và kỹ năng như thế này, nhất là ở vùng nông thôn” làm tôi trăn trở mãi.
Là phóng viên nhiều năm, tôi đã viết không ít về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong những lần đi cơ sở, tôi nhận thấy một thực tế là, ở vùng nông thôn trẻ em gặp nguy cơ đuối nước lớn hơn. Trong khi trên thực tế, có vẻ như việc dạy bơi và kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ em nông thôn chưa được quan tâm mấy.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi lên là vùng nông thôn có hệ thống sông suối, ao hồ nhiều, lại không được cắm biển cảnh báo. Chưa kể các hố nước sâu hình thành trong quá trình xây dựng công trình nhưng không có rào chắn hay biển báo; nhiều ao, hồ phục vụ tưới tiêu ở rẫy, khu dân cư không bảo đảm an toàn.
Thứ hai, trong khi trẻ em ở đô thị thường được tham gia các lớp học bơi trong dịp hè thì trẻ em nông thôn lại không có được may mắn ấy, khiến tỷ lệ trẻ em biết bơi tại nông thôn thấp.
Khi nghỉ hè, các em phải làm việc nhà, giúp bố mẹ việc ruộng rẫy, chăn nuôi gia súc. Trong thời gian này, thường đứa lớn dạy đứa bé bơi, không có sự giám sát của người lớn, nên rất dễ xảy ra đuối nước.
Đuối nước còn xảy ra do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi gần sông, suối, ao, hồ.
Tôi chứng kiến nhiều trẻ em nông thôn không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH ), chỉ 3 - 4% trẻ từ 6 - 14 tuổi ở nông thôn biết bơi, trong khi con số ấy ở thành thị là khoảng 30%.
Cũng có lẽ vì thế mà tình trạng trẻ em đuối nước tại nông thôn luôn cao hơn thành thị. Cuối năm 2021, một nghiên cứu của Cục Trẻ em cho thấy tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị.
|
Ở tỉnh ta, dù chưa có số liệu thống kê nào, nhưng tôi cho rằng, con số này cũng không khả quan hơn.
Đơn cử như ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), khi nhóm giáo viên tổng phụ trách Đội ở thành phố Kon Tum triển khai dự án “bể bơi không đồng”, có khá đông trẻ em đến tham gia. Hầu hết trong số đó không biết bơi, nhưng rất nhiều em cho biết thường tắm suối, tắm hồ.
Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi; không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước, dẫn đến nguy cơ tử vong nhiều em cùng một lúc.
Gần đây nhất, ngày 10/8, một vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krong xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), đã có 1 thai phụ và 2 cháu nhỏ tử vong do đuối nước.
Chính quyền địa phương cho biết, cháu T.H.H.P (7 tuổi) và cháu T.H.M.V (10 tuổi), cùng trú tại thôn Đăk Wơ Yop, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, chơi gần lòng hồ thủy điện Plei Krong thì bị trượt chân rơi xuống và kêu cứu. Thấy vậy, chị H.T.N (32 tuổi, mẹ cháu T.H.H.P) đang mang bầu 6 tháng vội tới cứu nhưng cũng gặp nạn.
Những vụ đuối nước luôn để lại sự mất mát, nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình, người thân của nạn nhân, càng đau lòng hơn khi nhiều nạn nhân là trẻ em. Và cũng là nỗi ám ảnh mỗi khi hè về của phụ huynh và chính quyền địa phương.
Để phòng ngừa đuối nước, trước mắt cần bảo vệ trẻ em ở những vùng có ao, hồ, đầm, sông. Bao gồm làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm để nhắc nhở và cảnh báo.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hướng dẫn trẻ em về kiến thức an toàn khi ở môi trường nước, nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi hoặc xuống bơi; biết kêu cứu, gọi người lớn khi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Bên cạnh cho trẻ em học bơi, hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải luôn để mắt tới con nhỏ; giám sát và liên tục nhắc nhở, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn khi ở gần môi trường nước, kể cả khi trẻ em đã biết bơi.
Theo các chuyên gia, giải pháp hiệu quả nhất là dạy trẻ biết bơi. Câu chuyện từ mô hình “bể bơi không đồng” cho thấy, dạy bơi trong cộng đồng là một giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với trẻ em nông thôn.
Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng bể bơi nhân tạo tại các vùng nông thôn là hình thức hợp lý, bởi điều này sẽ tạo ra môi trường cho trẻ vừa là cơ hội để hướng dẫn bơi lội cho trẻ em khi có điều kiện.
Thế mới càng thấy những lớp dạy bơi không đồng của các thầy cô giáo thật đáng quý, thật thiết thực và ý nghĩa!
Hồng Lam