Báo in hết thời?
Một năm trước, sáng 1/7/2023, bên ly cà phê, tôi và một số đồng nghiệp cùng đọc và bàn luận về thông tin Wiener Zeitung - tờ báo lâu đời nhất thế giới - in bản hàng ngày cuối cùng vào ngày 30/6/2023, sau gần 320 năm hoạt động.
Phải chăng báo in đã hết thời? Một người thở dài, hỏi. Dù có sự ngậm ngùi, nhưng không ai trả lời vào lúc ấy. Câu hỏi cứ thế treo lơ lửng trong các cuộc trò chuyện về nghề nghiệp, về xu hướng báo chí suốt năm qua.
Mới đây, nhân chuyến công tác, một bạn đồng nghiệp ghé qua thăm tôi. Bên ly cà phê sáng, anh nói rằng thấy nhớ cảnh đi mua báo đọc mỗi ngày; nhớ tiếng rao báo từ sáng sớm lanh lảnh trên phố; nhớ hình ảnh người người ngồi bên ly cà phê, vừa ăn bánh mì vừa mở tờ báo ra đọc.
Nhưng bây giờ, những sạp báo in vắng người qua lại; quán cà phê hay quán nước ven đường ít thấy người ngồi đọc báo, ai ai cũng lướt điện thoại. Có lẽ báo in hết thời rồi chăng- anh buồn rầu nói.
Nghe bạn kể mà tôi nhớ lại chuyện của chính mình. Cách đây 25 năm, Khi mới vào Kon Tum, tôi đã nhanh chóng dò tìm được sạp báo trên đường Trần Hưng Đạo, sau đó dành dụm tiền mua một hai tờ báo mỗi ngày. Thói quen ấy được tôi duy trì trong nhiều năm.
|
Hồi ấy, có những tờ báo bán chạy tới mức mỗi buổi sáng, sạp báo chen chúc người đứng chờ mua, không ít người đến để “đọc ké”. Do là khách quen nên tôi được bà chủ ưu tiên để dành, thế đã là sướng lắm.
Thời gian làm thay đổi nhiều thứ. Bà chủ đã già, sạp được giao lại cho con gái. Trong một lần, cô chủ sạp than thở rằng lượng người mua báo cứ giảm dần, bây giờ ít lắm. Vì tất cả thông tin đều có thể đọc trên báo mạng.
Cách đây 2 năm, con tạo xoay vần, trước ngày 21/6, tức là ngày của những người làm báo Việt Nam, tôi đi mua báo như thường lệ, cô chủ ngậm ngùi thông báo sẽ đóng cửa sạp sau vài ngày nữa.
Mỗi lần đi qua, tôi lại buồn bã nhìn vào nơi đã từng bày những tờ báo thơm mùi mực mỗi sáng. Và nhớ đến tâm sự của cô chủ sạp rằng rất buồn khi phải đóng cửa, nhưng “cơm áo không đùa được”.
Và câu hỏi “phải chăng báo in đã hết thời” lại lởn vởn trong đầu tôi!
Dù muốn hay không, vẫn phải thừa nhận một thực tế là báo in đang rơi vào thoái trào, không còn là lựa chọn hàng đầu của phần lớn độc giả nữa. Vì vậy, việc duy trì ổn định lượng phát hành báo in đang là bài toán khó cho các tờ báo.
|
Tháng 6/2023, trong cuộc trao đổi với Báo Nhân Dân, nhà báo Đặng Thị Phương Thảo- Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên (nay là Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT) từng cho hay, thời hoàng kim, báo Thanh Niên có lượng bản in lên tới 450.000 bản/số báo. Nhưng trong vòng 5-7 năm qua, con số này giảm trung bình 10% mỗi năm.
Và nguyên nhân chính khiến báo in “thất sủng” được nhìn nhận là đến từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ internet, sự trỗi dậy của các loại hình truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội, cùng với độ phổ cập ngày càng cao của các thiết bị di động như smartphone, laptop.
Chúng đã và đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin (đọc, nghe, xem, phản hồi và tương tác thông tin) của công chúng bằng sự nhanh chóng, tiện dụng và luôn được cải tiến, trong khi báo in luôn có độ trễ, nguội thông tin do quy trình sản xuất.
Sự dễ dãi trong tâm lý khai thác, thẩm định và thụ hưởng thông tin theo hướng giải trí là chủ yếu của một bộ phận công chúng cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Ở góc nhìn của một người làm báo, tôi cho rằng đó là một thực tế mà các tòa soạn phải chấp nhận và đương đầu.
Tất nhiên cũng có sự thích ứng khác. Như một loạt tờ báo nổi tiếng trên thế giới, tờ “The Independent” (Độc lập) của Anh chẳng hạn, đã tuyên bố “going digital” (chuyển sang số), tức là dừng bản báo in để chuyển sang báo điện tử.
Nhưng thoái trào không có nghĩa là sẽ biến mất. Tin vui là, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù suy giảm về số lượng phát hành, nhưng số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm báo in vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, vẫn chưa có tờ báo in nào phải đóng cửa, rời khỏi thị trường.
Nhiều tờ báo, như Nhân Dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, thậm chí là một số tờ báo ngành, báo đảng địa phương, vẫn duy trì lượng phát hành cao cho mỗi kỳ.
Bên cạnh đó, thói quen đọc báo giấy không thực sự mất đi. Nó vẫn tồn tại, không chỉ trong một bộ phận những người lớn tuổi, mà ngay trong giới trẻ. Nhiều độc giả vẫn thích lật từng trang báo hơn là mỏi mắt vuốt màn hình để đọc các nội dung trên các thiết bị số.
Vậy báo in sẽ phải làm gì để có thể “đứng vững” trước sức ép ngày càng tăng của báo điện tử, của mạng xã hội hiện nay?
Xét đến cùng, điều mà độc giả cần nhất vẫn là được thỏa mãn nhu cầu thông tin, dù là thông tin được cung cấp qua nền tảng hay phương tiện nào. Những bài viết hay, hữu ích, mang đến những góc nhìn, phân tích sâu sắc, đa chiều, mới lạ, có lập luận vững chắc, nguồn tin xác tín chắc chắn vẫn thu hút được sự quan tâm của độc giả.
Không ít độc giả trung thành với báo in cho rằng, việc “lướt” báo điện tử, mạng xã hội không giúp họ nắm bắt chiều sâu thông tin. Muốn thỏa mãn nhu cầu ấy, họ vẫn phải tìm đến báo giấy.
Tất nhiên, muốn tồn tại trong thời đại công nghệ số, đòi hỏi các tòa soạn phải có những bước đột phá trong quá trình sản xuất tin bài lẫn đổi mới phương thức tiếp cận độc giả theo hướng hiện đại hơn.
Một trong những bước đi là tòa soạn kết hợp được báo in và báo điện tử theo hướng “nương tựa lẫn nhau”.
Với một vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận, báo in có thể phát huy thế mạnh của mình về tính chính thống và thông tin trung thực, đi sâu phân tích. Trong khi đó, với phiên bản điện tử, có thể truyền thông theo hướng nhanh, thời sự, gợi mở vấn đề, từ đó tăng sức hút độc giả cho báo in.
Và như vậy, tôi tin báo in vẫn chưa hết thời!
Hồng Lam