Bản đồ 364 là cơ sở pháp lý công nhận địa giới hành chính
Vướng mắc liên quan tuyến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum tại khu vực xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, trong khi đang chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền, có một số thông tin chưa chính xác xung quanh vấn đề này.
|
Xung quanh vướng mắc về địa giới hành chính
Về cơ sở pháp lý, địa giới hành chính giữa hai tỉnh Kon Tum - Quảng Nam đã được xác định từ rất lâu. Qua nghiên cứu, có thể thấy địa giới hành chính giữa tỉnh Kon Tum với Quảng Nam được xác định ngày 15/4/1950, do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đơn vị kháng chiến hành chính. Sau đó, tỉnh Gia Lai - Kon Tum được thành lập (ngày 20/9/1975), tiếp tục quản lý địa giới hành chính nêu trên.
Tiếp đó, địa giới hành chính tỉnh Kon Tum được xác định theo Bản đồ 364 được lập trên cơ sở Chỉ thị 364-CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã; Nghị định số 119-CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ ban hành Quy định quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp.
Theo UBND huyện Kon Plông, năm 1991, khi xác định đường địa giới hành chính với các tỉnh có liên quan, trong đó có tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tỉnh Kon Tum đã tiến hành hiệp thương với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và hai bên thống nhất trên toàn tuyến, có đoạn địa giới hành chính giữa xã Đăk Ring, huyện Kon Plông giáp xã Trà Vân, huyện Trà My; giữa huyện Kon Plông với huyện Trà My. Năm 1993, các bên ký xác nhận pháp lý vào bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.
Đến năm 1996, tỉnh Quảng Nam được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó tỉnh Quảng Nam đã thực hiện việc lập lại hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị 364; bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính tỉnh Quang Nam có liên quan đến đường địa giới hành chính với tỉnh Kon Tum, trong đó có đoạn địa giới hành chính giữa xã Đăk Ring, huyện Kon Plông giáp xã Trà Vân, huyện Trà My.
Các xã, các huyện hai bên đối chiếu, kiểm tra và thấy trùng khớp đường địa giới trong bộ hồ sơ, bản đồ 364 của tỉnh Kon Tum và thực trạng hai tỉnh đang quản lý trên thực địa và được Chủ tịch UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã ký xác nhận pháp lý.
Năm 1998, xã Trà Vinh, huyện Trà My được thành lập (trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Trà Vân) và thực hiện việc lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị số 364/CT và đã được xã Đăk Ring, huyện Kon Plông kiểm tra, đối chiếu và thấy trùng khớp đường địa giới trong bộ hồ sơ, bản đồ 364 và trên thực địa giữa hai xã đang quản lý. Chủ tịch UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã ký xác nhận pháp lý.
Năm 2003, huyện Nam Trà My được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trà My; sau đó huyện Nam Trà My thực hiện việc lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 và đã được huyện Kon Plông kiểm tra, đối chiếu và thấy trùng khớp đường địa giới trong bộ hồ sơ, bản đồ 364 và trên thực địa giữa hai huyện đang quản lý. Chủ tịch UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã ký xác nhận pháp lý.
Năm 2004, xã Đăk Nên được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Đăk Ring, huyện Kon Plông; xã Đăk Nên đã thực hiện việc lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 và được tỉnh Quảng Nam kiểm tra, thống nhất và ký xác nhận pháp lý.
Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính của hai địa phương không tốt nên sau giải phóng (năm 1975) có một số hộ dân của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My đã sang xâm canh, xâm cư tại địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông.
|
Theo số liệu thống kê (đến đầu năm 2024), tại xã Đăk Nên có 240 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang sinh sống tập trung tại làng Tu Rít (khoảng 37 hộ); các làng Đăk Du, Tắp Yêu (khoảng 156 hộ); các làng Tu Lú, Tu Đót, Đăk Meng, Ngọc Bum (khoảng 45 hộ).
Diện tích đất người dân xã Trà Vinh đang sinh sống và canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên cũng chỉ có 359,56ha, ít hơn nhiều, chỉ chiếm 11% so với tổng diện tích đất tỉnh Quảng Nam khoanh vẽ thực địa và đề nghị điều chỉnh (3.001,63ha).
Càng ít hơn rất nhiều so với con số trên 6.198ha mà một số bài báo đã thông tin, đăng tải.
Như vậy, phải khẳng định đây không phải là vấn đề chồng lấn địa giới hành chính. Bởi thực tế là một số hộ dân thuộc thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang xâm cư, xâm canh trên địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Bản đồ 364 là cơ sở pháp lý công nhận địa giới hành chính
Như đã nêu, qua 5 lần thành lập, chia tách các đơn vị hành chính của mỗi tỉnh có liên quan đến đường địa giới hành chính (giữa xã Đăk Nên huyện Kon Plông và xã Trà Vinh huyện Nam Trà My), tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Kon Tum giáp ranh với tỉnh Quảng Nam không thay đổi.
Đồng thời bộ hồ sơ, bản đồ địa giới của xã Đăk Nên, của huyện Kon Plông và bộ hồ sơ, bản đồ tỉnh Kon Tum được xác lập khi thực hiện theo Chỉ thị số 364-CT đã đảm bảo được 4 tính chất của bộ hồ sơ (tính đầy đủ, tính chính xác, tính thống nhất và tính pháp lý).
Sau khi được cấp có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu đã đưa vào quản lý, sử dụng phù hợp với công tác quản lý địa giới hành chính của các bên liên quan đến thời điểm hiện nay.
Trong thời gian qua, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã có nhiều cuộc làm việc cấp cao để giải quyết vướng mắc liên quan tuyến địa giới hành chính giữa hai tỉnh.
Trong đó, đáng chú ý nhất là ngày 18/8/2022, tại huyện Kon Plông, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã họp bàn giải quyết vấn đề này. Đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum và đồng chí Phan Việt Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam trực tiếp chủ trì buổi làm việc.
Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Quảng Nam có đồng chí Lê Trí Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Quảng Nam.
Về phía tỉnh Kon Tum, có đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy); lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và huyện Kon Plông.
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đề xuất một số phương án khả thi, với tinh thần tuân thủ tính chính xác, tính thống nhất và tính pháp lý của hồ sơ, bản đồ địa giới đã lập theo Chỉ thị số 364-CT cũng như yêu cầu quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng nêu rõ quan điểm của tỉnh là sớm có phương án thống nhất, mục đích tạo thuận lợi cho người dân. Nếu người dân thôn 3 xã Trà Vinh đồng ý về xã Đăk Nên (Kon Tum) thì tỉnh sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Sau khi trao đổi, lãnh đạo 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thống nhất thành lập tổ công tác giữa hai tỉnh tiếp tục làm việc tìm phương án đi đến thống nhất để đề xuất lên cấp trên, từ đó để hai tỉnh triển khai thực hiện nhằm đảm bảo người dân ổn định sản xuất và sinh sống.
Ngày 15/11/2023, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản số 3971/UBND-NC gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp ký xác nhận pháp lý bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Kon Tum theo ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 6095/BNV-CQĐP ngày 18/10/2023.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam chưa phối hợp ký xác nhận pháp lý bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Kon Tum theo ý kiến của Bộ Nội vụ. Như vậy, tuyến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đến nay vẫn chưa được giải quyết, chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền.
|
Về phía Bộ Nội vụ, đến nay cũng đã có một số văn bản hướng dẫn UBND hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết vướng mắc về địa giới hành chính.
Trong đó, có nội dung yêu cầu thống nhất đánh giá bốn tính chất, gồm: Tính đầy đủ, tính chính xác, tính thống nhất và tính pháp lý của hồ sơ, bản đồ địa giới đã lập theo Chỉ thị số 364.
Yêu cầu này cũng phù hợp với quy định tại Chỉ thị 364-CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định số 119-CP ngày 16/9/1994 của Chính phủ Ban hành Quy định về việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp.
Tại các văn bản này quy định: Hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới, mốc địa giới hành chính các cấp được lập theo Chỉ thị số 364-CT là cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp sử dụng thống nhất cho công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính ở địa phương, và làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính ở mỗi cấp.
Quan tâm ổn định, nâng cao cuộc sống cho người dân
Theo ông Đặng Quang Hà- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, trong khi chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh vẫn luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan đơn vị của tỉnh và huyện Kon Plông thường xuyên phối hợp với chính quyền huyện Nam Trà My, xã Trà Vinh trong việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn, quan tâm chăm lo đến đời sống, sản xuất của các hộ dân xâm cư, xâm canh tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông.
Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Plông luôn quan tâm, tổ chức các đoàn công tác đến tận nơi thăm hỏi, chia sẻ, động viên nhân dân thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang xâm cư, xâm canh trên địa bàn xã Đăk Nên- ông Đặng Quang Hà cho hay.
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum (văn bản số 1750/UBND-NC ngày 12/6/2023), trong tháng 10/2023, UBND huyện Kon Plông đã tổ chức đoàn khảo sát thực trạng cơ sở hạ tầng (điện, đường, thủy lợi, nước sinh hoạt, viễn thông…) tại khu vực các hộ dân xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang xâm cư, xâm canh (thuộc địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông).
Sau đó, đoàn khảo sát đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho các hộ dân nêu trên.
Gần đây nhất, ngày 25/6/2024, Huyện ủy Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và Huyện ủy Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tổ chức buổi làm việc bàn một số nội dung phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý khu vực nhân dân thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hiện đang sinh sống trên địa giới hành chính thôn Tu Thôn, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông.
Hai bên ký biên bản ghi nhớ thực hiện một số nội dung, trong đó có phối hợp, triển khai đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Kon Tum.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ngành, liên quan và UBND huyện Kon Plông huy động nguồn lực triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng phục vụ đời sống người dân nơi đây.
Qua đó cũng cho thấy quan điểm, chủ trương của tỉnh Kon Tum rất rõ ràng: Mọi vấn đề đều cần được quan tâm giải quyết trên tinh thần thống nhất, tuân thủ cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Hồng Lam