“Bài toán” an toàn công trình trước động đất
Cần thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư; kiểm tra, đánh giá kết cấu các công trình chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Chủ động ứng phó
Trong 2 ngày 28-29/7, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận 46 trận động đất tại Kon Tum. Trong đó, trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28/7 với độ lớn 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực này. Theo thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất.
Ngay sau khi liên tiếp xảy ra những trận động đất đầu tiên trong ngày 28/7, UBND huyện Kon Plông đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền xã, thị trấn khẩn trương nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra. Đồng thời động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.
|
Trong các văn bản chỉ đạo ban hành ngày 29/7, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh cũng yêu cầu cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách ứng phó khi xảy ra động đất cho nhân dân.
Cũng trong ngày 29/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 73/CĐ-TTg về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, và yêu cầu địa phương chủ động ứng phó với động đất.
Trong đó, khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng huy động chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.
“Bài toán” an toàn công trình
Trong Công điện số 73, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.
Trên địa bàn huyện Kon Plông có 3/6 công trình thủy điện có hồ chứa lớn là Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re. Trong đó, thủy điện Thượng Kon Tum có dung tích trữ 145,52 triệu m3 nước; thủy điện Đăk Đrinh có dung tích trữ 248,51 triệu m3 nước; thủy điện Đăk Re có dung tích trữ 10,35 triệu m3. Các công trình thủy điện này có tính toán thiết kế động đất cấp 7 đến cấp 8.
Ngoài ra còn có 3 thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ, vừa (Đăk Pô Ne, Đăk Lô, Đăk Lô 2); 125 công trình thủy lợi, 2 hồ chứa, 23 đập dâng. Qua kiểm tra các công trình trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo an toàn không bị ảnh hưởng động đất xảy ra.
|
Nhưng thực tế có nhiều hồ chứa, nhất là hồ chứa lớn đem lại nhiều lo ngại. Bởi theo ông Nguyễn Xuân Anh- Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa.
Điều này đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra các hồ đập thủy lợi, thủy điện để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho công trình.
Một vấn đề khác là các công trình công cộng, như trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học, phòng ở học bán trú trên địa bàn huyện Kon Plông chủ yếu là công trình cấp III-VI. Và khi thiết kế xây dựng chưa tính đến tác động của động đất đến công trình, nên rất dễ bị “tổn thương”.
Đáng lo ngại nhất là công trình nhà ở của người dân. Theo khảo sát mới nhất, ở khu vực trung tâm huyện, nhà ở chủ yếu là cấp IV, được xây dựng bằng gạch, trụ móng bằng bê tông. Ở các thôn, làng thuộc các xã, nhà ở của dân phần lớn làm bằng gỗ, các kết cấu liên kế với nhau bằng liên kết mềm chỉ đạt 3 cứng, không xác định được cấp.
Đối với các loại công trình có kết cấu cứng khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt vữa, nứt bê tông, nếu cường độ động đất lớn sẽ sập đổ- Báo cáo số 44/BC-PCTT ngày 29/7 của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh nêu.
Theo dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, có thể gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.
Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức diễn tập, hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất cho nhân dân.
Mặt khác, cần kiểm tra các công trình hạ tầng ở khu vực xảy ra động đất để xác định kết cấu các công trình chịu đựng được động đất ở cấp độ nào, từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Trong quá trình thiết kế các công trình mới, cần tính toán thêm tác động của động đất, khả năng kháng chấn của công trình để đảm bảo an toàn.
Hồng Lam