“Bà đỡ” giúp đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế
Tại Chỉ thị 06-CT/TU ngày 7/9/2021 về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tập hợp quần chúng vào các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế.
Chỉ thị 06 nêu rõ, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, hội viên. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong hỗ trợ đoàn viên, hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tư vấn giới thiệu việc làm, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do đoàn viên, hội viên làm chủ.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị 06, 3 năm qua, các đoàn thể chính trị-xã hội đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đoàn viên, hội viên. Qua đó tạo lòng tin của quần chúng đối với tổ chức đoàn, hội và tự nguyện tham gia vào các đoàn thể chính trị-xã hội.
|
Là một hội viên Hội Nông dân, anh A Năng ở thôn Làng Mới (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) được quan tâm tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; được cử đi tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê xứ lạnh, sâm Ngọc Linh, sâm dây và nuôi bò sinh sản.
Cách đây 2 năm, tôi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh để phát triển kinh tế; vợ tôi là Y Néu, là hội viên Hội Phụ nữ xã cũng được tạo điều kiện vay 70 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, chúng tôi đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, đến gia đình đã có trên 2.000 cây sâm- anh A Năng cho hay.
Ngoài ra, gia đình anh A Năng còn có hơn 1ha cà phê xứ lạnh đã cho thu hoạch; hơn 3.000 gốc bời lời; khoảng 1.000 cây quế; 100 cây mắc ca đã ra bói và 0,5ha sâm dây.
Thống kê từ năm 2021 đến nay, hội nông dân các cấp đã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho 10.290 lượt hội viên, nông dân; hỗ trợ trên 20.000 hội viên được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 1.266 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã triển khai cho vay 59 dự án, 401 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Agribank thành lập 5 tổ liên kết vay vốn với 82 thành viên, tổng dư nợ 7,91 tỷ đồng.
Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do đoàn viên, hội viên làm chủ được quan tâm triển khai và đạt hiệu quả cao.
|
Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 967 căn nhà đại đoàn kết, trị giá hàng chục tỷ đồng; Hội Phụ nữ hỗ trợ 37.128 hội viên vay vốn khởi nghiệp với hơn 848,8 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh đã ủy thác, tín chấp vốn vay từ Ngân hàng CSXH 285,831 tỷ đồng với 6.052 hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Tỉnh đoàn tư vấn nghề cho trên 4.235 lượt đoàn viên thanh niên, giới thiệu việc làm cho trên 253 đoàn viên thanh niên, hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn thực hiện 3 dự án trồng cao su (mỗi dự án 100 triệu đồng) và 1.745 hộ đoàn viên thanh niên vay 95,8 tỷ đồng phát triển kinh tế.
Các cấp hội, đoàn thể còn tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên tham gia tổ hợp tác (THT), nhóm liên kết đầu tư, hợp tác xã (HTX), chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống.
Như huyện Ia H’Drai, hỗ trợ đoàn viên, hội viên tham gia vào 17 HTX, 5 THT; huyện Tu Mơ Rông 34 HTX với 670 thành viên; huyện Sa Thầy với 19 HTX với 158 thành viên; huyện Kon Plông có 50 HTX với 509 thành viên; huyện Đăk Hà có 21 HTX, 62 THT với 1.370 tổ viên; huyện Đăk Glei có 16 HTX, 109 THT với 1.694 thành viên.
Cùng đó, các cấp hội, đoàn thể phối hợp các địa phương, đơn vị quan tâm hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn cho đoàn viên, hội viên.
Như thành phố Kon Tum, đã giải quyết việc làm cho khoảng 5.399 lao động thông qua việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; huyện Sa Thầy hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho 1.778 đoàn viên, hội viên; huyện Đăk Hà, tổ chức 77 lớp đào tạo ngắn hạn cho 1.923 hội viên, 21 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 753 lượt hội viên, 57 buổi tư vấn cho 2.754 hội viên về cách bón phân cho cây trồng; huyện Kon Rẫy, đào tạo nghề cho 863 lao động, thanh niên, học sinh.
Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức 57 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho 1.843 đoàn viên, thanh niên; Hội Nông dân tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho hơn 10.000 lượt hội viên; Hội LHPN phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 100.000 lượt hội viên.
Có thể nói, với sự quan tâm hỗ trợ ấy, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội đã được trao cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó gắn bó hơn với tổ chức hội, đoàn thể.
Dương Nương