“Ba bám, bốn cùng” giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Với việc thực hiện “Ba bám, bốn cùng” trong triển khai Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (gọi tắt Cuộc vận động), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh góp phần giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới.
Đại tá Lê Minh Chính- Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ: Xác định việc thực hiện Cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị giúp đồng bào DTTS ở vùng biên có cơ hội giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, sát thực với phương châm “ba bám, bốn cùng”, “trọng dân, hiểu dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đặc biệt là chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước gắn với việc xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, công trình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định cuộc sống, củng cố, giữ vững quốc phòng- an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, an toàn.
|
Quá trình tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã vận dụng linh hoạt bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng như tuyên truyền tập trung thông qua các buổi sinh hoạt thôn; tuyên truyền nhỏ lẻ tới từng hộ gia đình, từng người dân, với phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà; kết hợp tuyên truyền thông qua hoạt động sân khấu hóa, giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; thông qua các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của đồng bào DTTS trên khu vực biên giới không ngừng được nâng lên, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực lao động sản xuất, từ bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu.
Bên cạnh giúp người dân nâng cao nhận thức, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn chỉ đạo, hướng dẫn các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời đề ra chủ trương, giải pháp nhằm phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng vùng gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế tạo ra nhiều việc làm, tăng năng suất lao động. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn biên giới thành lập 10 tổ hợp tác, có 14/17 sản phẩm đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP.
Các đơn vị Biên phòng còn gắn việc triển khai thực hiện Cuộc vận động với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình đang triển khai như: Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các hoạt động tham gia giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bằng các mô hình, chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
|
Điển hình là các mô hình “phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người DTTS kết nghĩa giúp hộ đồng bào DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới”, “phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình”, “con nuôi đồn biên phòng”, “hỗ trợ bò giống sinh sản cho người nghèo tại các xã biên giới”, “nuôi heo lai rừng”, “thôn đạo bình yên”, “mỗi tuần làm sạch một thôn làng”; chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “nâng bước em tới trường” góp phần giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Nhờ đó, đến nay, có nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo người DTTS trên địa bàn biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; cam kết bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tham gia hợp tác xã sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; biết chi tiêu hợp lý, tích lũy vốn tái sản xuất ngày càng tăng lên. Số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao, có nhà ở kiên cố và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền ngày càng nhiều.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương, việc “ba bám, bốn cùng” trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp đồng bào từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới.
Dương Đức Nhuận