A Thảo - gương sáng trong Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Anh A Thảo- Bí thư Chi bộ thôn Kon Jong, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà là tấm gương điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người DTTS tại địa phương về phát triển giáo dục.
Là người dân tộc Xơ Đăng, chỉ học xong THCS do hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, A Thảo luôn nuối tiếc và canh cánh trong lòng làm sao để cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây khá giả hơn, thay đổi cách nghĩ trong việc khắc phục khó khăn, quan tâm chăm lo có con em học tập đến nơi đến chốn. Anh tích cực đi đầu trong các hoạt động đoàn thể tại cơ sở, năm 2012 anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 24 tuổi, được Đảng bộ xã Ngọk Réo và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư kiêm trưởng thôn Kon Jong. Mặc dù tuổi trẻ, trình độ học vấn có hạn nhưng anh không ngừng học hỏi, anh quan niệm: “Không tự ti, không mặc cảm, chăm làm, chăm học hỏi sẽ thực hiện được ước muốn của minh”.
|
Đến thăm nhà anh A Thảo, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi anh đang sử dụng laptop để soạn thảo các văn bản một cách thuần thục, không cần sử dụng chuột. A Thảo vừa nhanh tay lướt trên bàn phìm máy tính, vừa tâm sự với chúng tôi: Mình tự học trên mạng, tập sử dụng nhiều thành quen tay. Qua trò chuyện, được biết, không chỉ tự học, anh còn truyền cảm hứng tới các em học sinh trong thôn, động viên các em chăm chỉ học máy tính ở trường, nhà nào không có máy tính, anh cho sử dụng máy tính của mình để thực hành; động viên một số gia đình đầu tư trang bị máy tính tạo điều kiện cho con em học tập tốt hơn.
Em A Huy - học sinh lớp 6C Trường THCS xã Ngọk Réo cho biết: Bố em đã mua máy tính và đăng ký cho em học thêm môn Toán, tiếng Anh qua mạng. Việc được học với các thầy cô giỏi trên Internet, tra cứu các nội dung học tập đã giúp em đạt được kết quả cao hơn trong học tập.
A Thảo luôn năng nổ, nhiệt tình trong công tác vận động học sinh đến trường, sáng sớm anh thông báo qua chiếc loa nhỏ của thôn rồi đi một vòng quanh thôn đôn đốc các em học sinh đi học. Những học sinh có kết quả cao, anh cùng Ban nhân dân thôn ghi nhận rồi lập danh sách khen thưởng vào các dịp như: Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, đêm giao thừa… Đối với học sinh bỏ học, nghỉ học, anh phối hợp cùng với nhà trường, các đoàn thể trong thôn, hoặc đi một mình xuống từng hộ gia đình để tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách tuyên truyền, vận động ba mẹ và các em đi học chuyên cần. Trong các buổi họp thôn, anh dành thời gian ưu tiên tuyên truyền, khích lệ các gia đình có con em đi học chuyên cần và đạt thành tích cao trong học tập. Nhờ đó, nhiều em đã quay lại trường học, có một số em đã tốt nghiệp THCS và đang theo học đại học.
|
Trong thôn, 100% trẻ em từ 6-14 tuổi đều được đi học và hầu hết số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều học lên bậc PTTH hoặc học nghề. Đặc biệt, hiện nay thôn Kon Jong có 6 em đang theo học đại học. Việc có học sinh học tới đại học trong thôn (làng) của người đồng bào DTTS là một chuyển biến lớn, là nguồn cảm hứng lớn cho người dân nơi đây, cũng là kết quả của sự tâm huyết, nỗ lực đổi mới, dám nghĩ dám làm của Chi bộ, Ban nhân dân thôn mà đứng đầu là A Thảo đúng với tinh thần của Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Kết luận số 08-KL/TU ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Phạm Thị Mây - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo nhận xét: Đồng chí A Thảo, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Jong là cán bộ cơ sở trẻ, có năng lực, tận tụy, nhiệt tình với công việc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo bà con thôn Kon Jong luôn đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, góp phần đưa thôn Kon Jong cán đích nông thôn mới vào tháng 12/2023 và đang phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Dù có công việc ổn định và sở hữu một ngôi nhà khang trang, tiện nghi cùng một số các máy móc sử dụng cho công việc, A Thảo vẫn luôn tâm niệm: “Dù làm gì cũng phải học từ cơ bản cho đến nâng cao mới chắc chắn và hiệu quả”. Anh dự định trong thời gian tới sẽ đổi mới cách tuyên truyền, vận động và đề ra giải pháp làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp người dân phát triển kinh tế-xã hội, mà nhất là đầu tư hơn nữa cho việc học tập để con em trong thôn có thể tự tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phùng Thị Hương