Ðiểm tựa vững chắc nhất
Trong tình cảnh khó khăn nhất, những câu chuyện nồng ấm tình người hiện diện khắp nơi đang khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nghĩa tình đồng bào, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia luôn là điểm tựa vững chắc nhất.
13h ngày 7/9, siêu bão số 3, với sức càn quét kinh hoàng, đổ bộ vào đất liền Việt Nam trên khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió "chưa từng có", tàn phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Gần như ngay khi có thông tin bão đổ bộ, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong trạng thái quyết tâm và cấp bách. Tuy nhiên, hậu quả của cơn bão để lại vẫn là quá lớn.
Theo Bộ NN&PTNT, bão số 3 làm 26 người chết và mất tích, 247 người bị thương; 113.593ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 121.000 cây xanh gãy đổ; gần 10.000 nhà hư hỏng.
Sau bão Yagi, các tỉnh, thành phía Bắc đang liên tiếp hứng chịu hàng loạt thiên tai chưa từng có, khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng. Đến 18h ngày 10/9, mưa do bão Yagi đã kích hoạt lũ quét, sạt lở đất, làm 127 người chết, 54 người mất tích, 35.000 hộ dân bị ngập, chủ yếu ở Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái.
|
Trong đó, có trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sáng 10/9. Trận lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi có 35 hộ dân, 128 người cư trú. Tính đến 18h ngày 10/9, các lực lượng cứu hộ xác định sơ bộ có hơn 30 người sống sót và bị thương; tìm thấy 15 thi thể, còn lại có thể là mất tích.
Những ngày qua, chúng ta đã lo lắng, bất an, đã đau đớn, xót xa khi cơn bão số 3 hoành hành ở các tỉnh phía Bắc, với những cập nhật trên báo chí về tình hình lũ quét, sạt lở đất, sập cầu, và những con số thống kê kinh hoàng về thiệt hại người và của.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái... đang trải qua những ngày gian khó. Những mái nhà sụp đổ, cây xanh bật gốc, đường phố tan hoang, tài sản của người dân bị cuốn trôi, nhấn chìm; hạ tầng giao thông, năng lượng đứt gãy.
Những lúc này, chúng ta có Đảng, có Nhà nước, có đoàn thể và có khối đoàn kết toàn dân. Hình ảnh lãnh đạo Đảng, Chính phủ bận rộn với những chuyến đi kiểm tra thực tế “con thoi”, đến những điểm “nóng nhất”; những cuộc họp xuyên ngày đêm cũng đã trở nên quen thuộc.
Và ngày 9/9, chúng ta được đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi). Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Đảng, Nhà nước gửi lời cảm thông và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, đặc biệt đối với những người có thân nhân mất trong bão lũ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, nhất là những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc "tình dân tộc, nghĩa đồng bào".
Đồng thời khẳng định, trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân cả nước theo sát tình hình, chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3 với 5 mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Trước mắt ưu tiên cứu người, đảm bảo để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường.
Để khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước “tiếp tục phát huy mạnh mẽ "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra”.
|
Hưởng ứng lời kêu gọi trong Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hàng triệu người trên mọi miền đất nước sẵn sàng đem hết sức lực, tinh thần và của cải để giúp đỡ nhân dân vùng thiên tai.
Bằng chứng là hoạt động chi viện, quyên góp ủng hộ đã và đang được phát động, nhân rộng và lan tỏa mạnh mẽ.
Ngày 10/9, bếp lửa ở nhiều làng quê đã đỏ lửa. Bà con tất bật nấu bánh chưng để gửi ra các tỉnh phía Bắc hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Những chiếc bánh chưng nhỏ ấy chứa đựng tấm lòng của nhân dân cả nước.
Từ 60 bạn trẻ ở Thừa Thiên- Huế đến lực lượng công nhân cây xanh ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, đã lên đường ra Bắc hỗ trợ, tiếp sức các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ. Sẽ còn nhiều đội ngũ khác ở các tỉnh miền Trung và phía Nam tiến ra Bắc.
Các doanh nghiệp ngành thực phẩm phía Nam sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, đưa thực phẩm ra miền Bắc để bình ổn thị trường, không để thiếu hàng và không tăng giá.
Các hoạt động quyên góp, ủng hộ nhằm góp phần chia sẻ giúp đồng bào khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cũng đang lan tỏa. Từ những cô cậu học sinh đến cán bộ hưu trí đến các tầng lớp nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều sẵn lòng ủng hộ, bằng tình cảm, tấm lòng sẻ chia, tình nguyện.
Chúng ta có thể ước lượng được bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu tấn hàng vận chuyển ra Bắc trong những ngày tới, nhưng không thể cân đo hết bao nhiêu yêu thương, lo lắng dành cho đồng bào ruột thịt.
Lũ nối tiếp bão tàn phá nhiều nơi, gây mất mát, đau thương. Nhưng trong tình cảnh khó khăn nhất, những câu chuyện nồng ấm tình người hiện diện khắp nơi đang khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nghĩa tình đồng bào, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia luôn là điểm tựa vững chắc nhất.
Sông Côn