Ðẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ cho học sinh.
Bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian qua, để đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện lịch sử lớn của đất nước nói chung và ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, ngoài việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, các phong trào, cuộc thi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức trong đội ngũ quản lý, giáo viên và học sinh, Sở ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về công tác giảng dạy môn Lịch sử. Đồng thời, chỉ đạo các trường học xây dựng các hoạt động gắn với các chủ điểm lịch sử nhằm giáo dục cho học sinh về truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ đó, giúp học sinh có ý thức rèn luyện, phấn đấu học tập, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
|
Đến Trường THCS – THPT Liên Việt Kon Tum (thành phố Kon Tum), chúng tôi chứng kiến không khí hăng say của các em học sinh nắn nót từng nét vẽ để hoàn thành các bức tranh để tham gia cuộc thi vẽ về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thầy Nguyễn Vũ Ngọc Huy – Tổng phụ trách Đội chia sẻ: Hưởng ứng Cuộc thi "Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, nhà trường tổ chức kì trại sáng tác nhằm tạo môi trường giao lưu trải nghiệm, sáng tạo năng khiếu mĩ thuật, phát triển những kỹ năng mềm, tự tin thể hiện và lan toả ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ; bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, sự tự hào về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho học sinh trong nhà trường và lan tỏa ra cộng đồng.
“Khi tham gia cuộc thi, các em đã có quá trình tìm hiểu, ghi nhớ những điểm nổi bật về Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ đó xây dựng ý tưởng sáng tạo bằng ngôn ngữ tạo hình mĩ thuật để khắc họa một cách chân thực đầy cảm xúc về những chiến sĩ Điện Biên, về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua từng nét vẽ, các em cảm nhận sâu sắc và thể hiện những hiểu biết của mình về cuộc đấu tranh lịch sử này. Bên cạnh đó, đối với học sinh không tham gia vẽ tranh, nhà trường cũng tổ chức cho các em tham gia vào các sân chơi tìm hiểu như: đố vui, đi tìm ô chữ bí mật, trò chơi lớn “Hành quân theo dấu chân người anh hùng”, xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên. Qua đó, các em cũng cảm nhận, ghi nhớ các mốc lịch sử, các sự kiện, các hoạt động trong chiến dịch từ đó nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với học sinh” - thầy Huy cho biết.
Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng có những đổi mới trong phương pháp, cách truyền đạt trực quan trong công tác giảng dạy môn Lịch sử để các em có những trải nghiệm và cảm nhận chân thực các hoạt động mà các chiến sĩ đã trải qua. Từ đó, có hứng thú trong học tập môn Lịch sử và ghi nhớ sâu sắc những gian khổ, hi sinh của cha ông để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
|
Thầy Bùi Đình Trọng- giáo viên giảng dạy môn Lịch sử tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cho biết, để học sinh cảm nhận đầy đủ hơn những gì cha ông đã trải qua, khi giảng dạy về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ngoài việc trình chiếu những hình ảnh, tư liệu lịch sử, chúng tôi cũng đã truyền dạy cho các em qua việc xây dựng sa bàn, dựng lại mô hình xe đạp thồ có thể mang số lượng hàng lớn, nguỵ trang kín đáo như những chiếc xe đạp đã được sử dụng trong Chiến dịch. Học sinh sẽ vận dụng các kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học để thực hiện nhiệm vụ được giao, trong tất cả các khâu giáo viên là người tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh.
Có thể nói, việc giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ qua ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ được các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Trong đó, thúc đẩy đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường mở rộng không gian dạy học trên thực địa (di tích lịch sử, di sản văn hóa, bảo tàng, triển lãm...); kết hợp hoạt động dạy học trong lớp với hoạt động trải nghiệm trên thực tế; vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống. Qua đó nêu cao lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, ra sức học tập, rèn luyện, phát huy sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm “dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn” trong các thế hệ học sinh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Ban