Ðá hát
Vừa leo lên đỉnh con dốc đầu làng, hắn bỗng dừng lại, nghiêng đầu nghe ngóng. Phía sau hắn, một nhóm người cũng dừng lại theo, im lặng, và ngạc nhiên. Họ nhìn hắn với ánh mắt tò mò. Chuyện gì vậy? Một người hỏi.
Hắn vẫn nghiêng đầu nghe ngóng: Mọi người lắng nghe kỹ xem nhé?
Dường như trong gió thổi từ phía rừng cao su tới có âm thanh gì đó, đang to dần, to dần- một người nói khẽ.
Loáng sau, một thứ thanh âm vừa lạ lẫm vừa du dương theo gió xào xạc vọng tới. Bloong, linh. Bloong, blinh.
Những thanh âm kỳ diệu ấy khi bổng khi trầm, khi chậm rãi, lúc quấn quýt, dồn đuổi nhau như suối mùa lũ về. Chúng quẩn quanh trên những cánh rừng, như mời gọi, như giục giã người ta nhanh bước tới.
Đàn đá đấy ạ! Hắn cười to và nói.
Đàn đá? Mọi người kinh ngạc nhìn hắn. Đúng rồi- hắn sung sướng nói- Tức là những thanh đá biết hát ấy. Dân làng gọi những thanh đá phát ra âm thanh như vậy.
Không phải chúng chỉ có trong bảo tàng sao? Ai đó thắc mắc.
Không đâu, ở làng có mấy người biết tìm và chơi đàn đá đấy ạ. Ta vào thôi- hắn xốc lại quai ba lô, bước xăm xăm xuống dốc.
|
Hắn vốn làm ở một cơ quan quản lý văn hóa. Nhưng do hiểu biết khá sâu về bản sắc văn hóa các DTTS, sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống, nhất là chiêng, nên trở thành “hàng hiếm”, thường được “nhờ” dẫn các đoàn khách thích tìm hiểu văn hóa về cơ sở.
Và hôm nay, hắn dẫn nhóm du khách thích tìm hiểu văn hóa về làng mình, nơi mà hắn từng tự hào nói rằng “có những người đặc biệt, bởi biết sử dụng những nhạc cụ đặc biệt”.
Làng nằm lưng chừng núi với những mái nhà sàn nhấp nhô. Trẻ em nô đùa nơi giọt nước đầu làng. Phụ nữ vừa giã gạo vừa hiền hậu cười, xua đám gà xúm xít giành những hạt gạo rơi vãi.
Người già ngồi bên bậu cửa, cười nói chậm rãi, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rãi. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên cánh rừng và con suối trước làng.
Nắng lên nửa con sào, rừng cây vàng rực. Những cây thông chỉ cao quá đầu, vẫy lá trong nắng như ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những gốc cổ thụ gân guốc, xù xì. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống những mái nhà.
Thứ thanh âm riêng biệt không thể lẫn vào đâu được ấy vẫn vút lên, gọi những đôi mắt nhìn về, kéo những đôi chân tìm đến ngôi nhà nằm trên một vuông đất rộng rãi, bằng phẳng, cây xanh mát mẻ.
Nhà A Huynh đấy. A Huynh tìm được đàn đá, biết chơi đàn đá giỏi nhất làng này. Hắn phấn khởi giới thiệu, rồi cất tiếng kêu: A Huynh à, có khách tới chơi nhé.
Một chàng trai dáng người thấp đậm, nụ cười hiền lành, cởi mở, phóng khoáng bước ra chân cầu thang vồn vã đón khách lên nhà. Lúc này thì ánh mắt của mọi người đã dồn hết lên những thanh đá xếp trên sàn nhà, dày có, mỏng có; ngắn có, dài có, thanh to nhất dày và dài cả mét.
A Huynh cười cười, phân trần: Cái giàn treo đàn bằng dây rừng lâu ngày rồi nên mối ăn hết, bị đứt mất cách đây mấy hôm, chưa kịp làm giàn mới. Bây giờ phải xếp tạm ra sàn thôi.
Hầu hết đều có vẻ như ngạc nhiên, bởi chúng khác xa những bộ đàn đá mà họ được xem. Chúng trơn láng, trau chuốt, có bộ còn được cẩn thận đánh dấu các nốt, từ đồ, rê, mi, fa, sol, la, si... lên từng thanh đá.
Nhưng đàn đá của A Huynh thì khác, đều là những thanh đá thô ráp, xù xì, giữ nguyên hình dáng ban đầu. Y như khi chúng được tìm kiếm và đưa về từ suối vậy.
Vài người còn ngồi xuống vuốt những thanh đá xám, xù xì, góc cạnh. Dường như vẫn chưa tin được rằng, những thanh đá vô tri này lại có thể "hát" lên thanh âm đầy sức lôi cuốn kia.
Dường như nhìn ra sự băn khoăn của mọi người, A Huynh cầm 2 thanh gõ thử âm, rồi đôi tay anh như múa, tiếng đàn đá rung lên.
Tình yêu ngàn năm vùi sâu lòng đá bỗng vang thật lạ, bỗng vang thật xa, biến thành lời ca, biến thành điệu nhạc, biến thành tiếng hát, kéo tâm hồn của mọi người về với núi rừng, về với con suối đầu nguồn, nơi A Huynh tìm ra những thanh đá biết hát đầu tiên.
Khi ấy, cậu con trai mới lớn A Huynh lặn ngụp chặn dòng suối Ya Lân làm thủy điện nhỏ thắp sáng nhà rẫy, vô tình gõ vào vài thanh đá thì thấy phát ra âm thanh bổng trầm khác thường. Tò mò, A Huynh nhặt mấy thanh đem về.
Tối ngủ, cậu nhớ lại, cha mẹ có kể, người xưa làm rẫy trên núi cao, chim và thú thường kéo đến phá hoại, nên người ta lấy những thanh đá "biết hát", phát ra âm thanh vang xa, treo bên suối, nước suối chảy, làm chúng va vào nhau, chim, thú nghe tiếng vang không dám đến phá hoại.
Những thanh đá ấy được gọi là “đá biết hát”. Nhưng rồi thời gian trôi qua, người biết chọn đá, bắt đá hát ít dần. Rồi tiếng đá hát không còn vang lên ở từng con suối nữa.
Sáng hôm sau, A Huynh bắt đầu đi dọc suối, chọn những phiến đá đẹp, “biết hát”, gom lại bỏ dưới bóng cây trên rẫy. Những lúc nghỉ ngơi, Huynh chọn ra những thanh có cung bậc rõ ràng gõ hát nghêu ngao cho đỡ buồn nơi rẫy vắng.
A Huynh cùng những thanh đá “biết hát” của mình sống âm thầm mấy năm trên rẫy mì. Cho đến một ngày kia, A Huynh và những thanh đá biết hát chợt nổi tiếng, sau một hội diễn ở cơ sở. .
Nhưng vui nhất là vào mỗi dịp lễ hội, khi dân làng vui trắng đêm, hát trắng đêm, tiếng đàn đá hòa quyện với tiếng chiêng trầm lắng, tiếng ting ning thiết tha, rạo rực.
Cơn mưa bất chợt đổ xuống. A Huynh vẫn mải mê chơi đàn, đôi mắt khép hờ, đôi tay như có mắt gõ đều những nốt nhạc của bài dân ca Gia Rai “Tình yêu bên suối” trên những thanh đá xám chưa qua chế tác.
Tiếng đàn khi rộn rã tươi vui như cô gái được người yêu hẹn gặp, lúc réo rắt như cô gái gọi tên người yêu, rồi thì thầm như tiếng đôi trẻ tâm sự. Nhìn nghiêng, khuôn mặt A Huynh rắn rỏi như tạc bằng đá.
Tiếng đá hát dội vào vách nhà sàn, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía núi rừng.
HỒNG LAM