Yêu thương những bữa cơm nhà
Con ạ, mẹ vẫn thường nhớ về bữa cơm gia đình thời thơ bé. Những bữa cơm quây quần bên bộ bàn ghế đá đặt trước sân. Cũng những ngày hè như thế này, tầm sáu giờ tối xóm nhỏ ngày hè lại bắt đầu rộn rã tiếng í ới. Mẹ gọi con, anh gọi em, bà gọi cháu…
Lẫn trong mùi ngai ngái của rơm rạ, ruộng vườn, mùi hanh hao của gió Lào cát trắng, là mùi cơm gạo mới, mùi cá kho, mùi khoai nướng… theo những cơn gió đưa hương. Mùi thơm như đánh thức mọi giác quan khiến bụng đám nhỏ cả chiều mải chơi mấy trò đánh chuyền, nhảy dây, đồ hàng… như đồng loạt biểu tình, réo gọi. Chỉ cần nghe tiếng í ới, ham chơi mấy cũng bỏ dở chạy về. Bữa cơm gia đình mà, ngoại vẫn thường bảo mẹ, phải đông đủ, sum vầy.
|
Mê mải đủ trò cả chiều hè, bưng chén cơm được ngoại bới sẵn, phía trên có miếng cá nục kho mặn vậy mà vị ngon nhớ mãi. Nhắc đến cá nục, với mẹ là nhắc đến những gì quen thuộc. Nhà gần biển, những ngày hè này cá nục là thứ cá nhà nghèo dễ mua vô cùng mà cũng dễ ăn vô cùng. Mớ cá tươi xanh mua về, phần đầu, phần đuôi ngoại dành nấu canh, phần thân kho hơi mằn mặn. Rau nấu canh chua hái từ lá sông bên bờ rào hay bụi chua me bò lan bên mé giếng. Rau luộc, rau xào đã có đám khoai lang, mồng tơi ngoại trồng cuối vườn. Nấu nướng xong ngoại múc ra tô, ra đĩa sẵn sàng. Những bữa cơm đơn sơ và quen thuộc đến mức chưa đến bữa cũng đã hình dung được ấy theo mẹ suốt bao tháng năm. Người ta vẫn bảo quen thuộc quá sẽ dễ nhàm chán nhưng mẹ, ông bà, các anh chị em mẹ chẳng ai phàn nàn lấy nửa lời. Mẹ nghĩ, có lẽ là thói quen, nhưng quan trọng hơn nữa là không khí, là niềm vui tinh thần từ chính bữa cơm mang lại cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Mẹ vẫn nhớ dù có bận việc trường, việc nhà, dù có cơm thua gạo kém, ngoại vẫn xoay xở duy trì ngày ba bữa cơm cho 7 thành viên trong gia đình. Sáng sáng, khi cả nhà còn say giấc nồng, ngoại đã dậy sớm nấu nồi cơm để cả nhà thức dậy ăn cơm sáng với lọ muối vừng để sẵn. Bữa trưa, bữa tối, ngoại vun vén mâm cơm tạm gọi là tươm tất để cả nhà sum vầy. Những bữa cơm với những món ăn từ cá nục. Lâu lâu, ngoại đổi vị sang nồi canh hến nấu rau mùng tơi, cua đồng nấu canh tập tàng mát rượi, thêm nồi cá đồng kho dưa thơm vị riềng, vị dưa… mà mẹ mãi luyến lưu.
Bên những bữa cơm đơn sơ ấy, cả nhà rộn ràng những câu chuyện vui. Có khi cùng bàn thảo về một bộ phim đang xem hay một cuốn sách mà cả nhà từng đọc. Có khi là những lời nhắc nhở ân cần của ngoại, những chỉ bảo bắt đầu từ việc “học ăn”… Vậy là thành nếp nhà!
Đến tận bây giờ, khi mẹ cũng đã làm mẹ của hai con, cũng nhọc nhằn với mưu sinh, với những lo toan, mẹ càng hiểu, càng thấm thía, càng trân quý vô cùng những nhọc nhằn của ngoại. Để duy trì được ngày ba bữa cơm cho cả gia đình trong suốt bao tháng, bao năm, ngoại đã ngược xuôi, sau những tiết dạy ở trường lại tất tả chăm đàn heo, nấu nồi rượu, buôn bán chợ này sang chợ nọ.
Những thành viên nhỏ bé bên mâm cơm ngày ấy, vì mưu sinh lần lượt đi muôn phương. Lần đầu mẹ xa nhà, bưng dĩa cơm sinh viên mà mắt ướt nhòe vì nhớ bữa cơm gia đình. Những bữa cơm vội ngày sinh viên, những bữa cơm ngày đi làm xa nhà, những bữa cơm bên gia đình nhỏ bé… Dần dà, dù muốn, dù mong, chẳng thể nào tìm lại được khoảnh khắc những ngày đã cũ, những ngày cả nhà chung bữa cơm vào những khoảng thời gian cố định bên bộ bàn ghế đá góc sân. Ai vắng bữa cơm nào cả nhà cùng biết. Ai thích ăn món gì cả nhà cùng hay.
Từ những bữa cơm gia đình ngày nhỏ, ngoại cứ hay dạy mẹ, trong muôn điều cần học “học ăn, học nói, học gói, học mở”, cha ông ta xưa lấy “học ăn” lên làm đầu để hiểu rằng học cách ăn quan trọng lắm. Mà nào đâu mỗi “học ăn”, riêng chuyện ăn, cha ông ta còn có hàng loạt lời răn dạy khác: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn vóc học hay”… đấy sao.
Càng trân quý, mẹ càng vun đắp, xây dựng nếp nhà mình. Ngày mẹ lấy chồng, ngoại cứ dặn lui dặn tới “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phải biết giữ lửa yêu thương từ những bữa cơm nhà bình dị. Không được ngày ba bữa như ngoại ngày xưa, mẹ cố gắng mỗi ngày cả nhà mình cùng nhau sum vầy bên mâm cơm ít nhất được một bữa. Cũng chẳng phải cao lương mĩ vị gì nhiều, miễn sao đong đầy tình yêu thương của mẹ ba gửi gắm. Là món canh cua đồng “gia truyền” của ba, là món sườn xào chua ngọt, trứng chiên mà hai anh em thích… Lặng lẽ nhìn các con ăn, lắng nghe ba khen món này, món kia làm giống nội là mẹ thấy vui vui. Chỉ cần vậy thôi là mẹ cố gắng, mẹ nhắc nhở các thành viên trong gia đình cùng duy trì. Để như mạch nguồn tiếp nối, khi các con có gia đình nhỏ của riêng mình, cũng sẽ biết nâng niu, vun đắp những bữa cơm gia đình đầm ấm.
Đơn giản vậy thôi nhưng hẳn rằng chẳng dễ. Cố gắng con nhé. Cùng nhau chờ đợi, cùng nhau ăn, dẫu chỉ là mỗi ngày một bữa. Để nhắc nhở người đang đi xa rảo bước chân về nhà vì nơi đó có cả gia đình đang ngóng đợi. Để cùng nhau tận hưởng những giây phút bình yên, sum vầy, để nối dài hơn những sợi dây gắn kết.
NGUYÊN PHÚC