Yêu sao “phố núi” Kon Tum
Vào sáng Thu này, dạo bước trên những con đường rợp bóng cây xanh, chen lẫn bóng cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành mà thêm yêu “phố núi” Kon Tum.
Phố không quá đông đúc để gây cảm giác ồn ào, ngột ngạt, cũng không quá thưa người tạo sự vắng vẻ. Người xe đi lại trên phố vừa đủ để thấy mình không đơn lẻ, đủ để cảm nhận được sự yên bình, thơ mộng như ngày nào.
Phố hiện đại hơn nhiều, với những tòa nhà cao tầng, những cung đường rộng thênh thang. Nhưng vẫn đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình, làm ai đó chỉ muốn thong dong thả hồn trên phố để ngắm nhìn, để hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên và con người.
Lần đầu tiên tôi nghe ca khúc “Một chút Kon Tum” của tác giả Ngọc Minh, lời thơ Tạ Văn Sỹ là trên chuyến xe đò từ quê nhà lên “phố núi”. Khi ấy, Kon Tum trong tôi còn là cái tên xa lạ, với những nét chấm phá mơ hồ qua lời kể của người anh họ.
|
Tôi đã bị mê hoặc bởi những ca từ, giai điệu chậm rãi mà da diết, chân thật mà phiêu bồng: “Bởi lần đầu anh đến quê em. Em đưa anh xem phố yên lành. Kon Tum nhỏ, bởi lòng thung nhỏ. Chầm chậm thôi vội bước chi nhanh. Anh thấy không, phố bốn bề xanh. Rừng vây quanh, núi cũng vây quanh. Đất vẫn xuôi, mà sông chảy ngược. Trời rộng thênh, mây trắng yên lành. Ơi những con đường nối phố với rừng, để thiên nhiên gần quá đỗi gần…”.
Và tôi đã tin rằng, nhà thơ, và nhạc sĩ, hẳn phải yêu Kon Tum lắm mới có thể kể về mảnh đất này một cách diễm tình đến vậy.
Khi đến với Kon Tum, cùng với sự trải nghiệm, khám phá, mới thấy hết được, mới cảm nhận hết được, những lời thơ, câu hát ấy chính là những lời tả thật. Một “phố núi” mang vẻ đẹp trong trẻo, yên lành, nên thơ mà không phải thành phố nào cũng có được.
Hình ảnh những con đường nối phố với rừng; phố bốn bề xanh, rừng vây quanh, núi cũng vây quanh; dòng sông Đăk Bla chảy ngược; những buổi sáng mây sà xuống phố đã khiến cho tôi và bao du khách chỉ muốn bước những bước chân chầm chậm để cảm nhận vẻ đẹp rất đỗi nên thơ và bình yên nơi “phố núi”, để có thể hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên giữa không gian phố thị.
Trên những con đường nối làng với phố, yêu sao hình ảnh các mẹ, các chị gùi những bó rau rừng, những trái bí, trái bầu để ra chợ bán vào sáng sớm.
Có những bà cụ lưng còng, tóc bạc, trên lưng là cái gùi thật to đựng những bó chổi được làm bằng những loại cây bụi mọc ở rừng, hay những đôi đũa tre do chính tay mình chuốt lấy, mang ra bán ở góc chợ.
Giữa dòng xe, dòng người qua lại, các bà, các chị vẫn lặng lẽ và nhẫn nại đi trên những con đường nối làng với phố ấy. Bóng lưng, bóng gùi ấy vô tình tạo nên nét đẹp rất riêng, rất Kon Tum.
|
Sự bình yên hiện diện ở mọi góc phố, mọi con đường và những ngôi làng. Bạn chẳng phải đi đâu cho xa, chỉ cần thong dong chạy xe trên phố cũng có thể cảm nhận được, qua hình ảnh mái nhà rông thấp thoáng sau tán cây cổ thụ; những ngôi nhà không cửa đón nắng và gió, người già ngồi bên hiên nhà bập tẩu thuốc; hay cô gái đi làm về, chiếc gùi trên lưng nặng trĩu những quả bầu đựng nước mát.
Còn nữa, đám trẻ chăn bò thả diều, đá bóng trên những bãi đất trống bên đường. Tiếng la hét, reo hò của những đứa trẻ tưởng như ồn ào ấy lạ thay lại mang đến một cảm giác thật yên bình với bao ký ức tuổi thơ hiện về.
“Phố núi” bình yên với những buổi chiều tà còn có thể ngắm nhìn những chiếc xe bò chở đầy nông sản lững thững qua cầu treo Kon Klor nối phố với làng như đưa ta về với ký ức của một miền quê yêu dấu.
Chỉ bình dị như vậy thôi mà sao cứ níu chân bao du khách gần xa.
Còn với tôi, dù tình yêu dành cho “phố núi” Kon Tum lớn dần theo năm tháng, nhưng sao mỗi lần dạo bước trên những con đường rợp bóng cây xanh vẫn thấy rung cảm như lần đầu.
Tú Quyên