Yêu sao hoa dại
Cuối thu, có những chiều mưa lắc rắc như rây bột lên những chùm hoa dại đang đua nhau khoe sắc hai bên đường làng. Trên những cánh hoa nhỏ li ti với đủ sắc màu còn đọng những giọt nước long lanh như hạt ngọc, cứ níu bước chân những người yêu vẻ đẹp chân phương, mộc mạc.
Không biết từ bao giờ, và vì sao người ta đặt cái tên “hoa dại” cho những loài hoa mọc bên đường kia nhỉ- đôi khi cô lẩn thẩn nghĩ. Rồi lại tự trả lời: Hẳn là vì chúng mọc tự nhiên, không cần chăm bón, rồi cũng chẳng ai biết rõ tên của chúng là gì, nên người ta gọi chung là hoa dại.
Cuối thu, có những chiều mưa lắc rắc như rây bột lên những chùm hoa dại đang đua nhau khoe sắc hai bên đường làng. Con đường cô vẫn đi mỗi ngày, vào buổi sớm mai và chiều muộn.
Và những cánh hoa nhỏ li ti với đủ sắc màu còn đọng những giọt nước long lanh như hạt ngọc luôn níu bước chân những người yêu vẻ đẹp chân phương, mộc mạc như cô.
|
Cũng đôi khi, cô trách móc vẩn vơ rằng, sao cứ cái gì đó bị gọi tên là “dại” sẽ bị coi thường, bị vứt bỏ. Như hoa dại vậy, dù rất đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, dân dã mà trinh nguyên, nhưng vẫn chỉ là “cỏ nội hoa hèn”, vẫn chỉ nhận lấy sự vô tâm của người qua đường.
Cô nhớ, mình đã yêu loài hoa dại từ khi đọc bài thơ “Hoa dại” của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
“Thương một quãng đường chói nắng
Mầm hoa đội đất nhô lên
Sắc thắm rất nhiều về sáng
Hương thơm rất nhiều về đêm
Một vùng tươi mát trong lành
Cái nắng trưa hè dịu lại
Vui vẻ người qua
Hoa ơi!
Ai gọi em là hoa dại?”
Hình ảnh mầm hoa dại vươn mình nhô lên giữa vùng đất khô cằn, chói nắng ấy, cô thấy sao giống hoàn cảnh của mình. Một cô gái kém may mắn, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ vất vả bươn chải sớm hôm buôn gánh bán bưng để nuôi cô ăn học. Cuộc đời cô trải qua biết bao là gian khó. Thuở nhỏ, cô luôn thèm có những bữa cơm no; mùa Đông đến, cô ước ao có được chiếc áo mặc đủ ấm.
Dù vậy, cô chưa bao giờ gục ngã, mà luôn cố gắng vươn lên. Bây giờ, dù chưa thể gọi là thành đạt thì cô cũng đã có cuộc sống ổn định, có thể chăm lo cho mẹ già.
Nhiều lúc, cô tự hỏi: Phải chăng mình giống như loài hoa dại kia?
Ở quán cà phê thiết kế theo phong cách hoài niệm của cô không bao giờ thiếu những bình hoa dại. Với cô, những bình hoa ấy không chỉ để trang trí, mà còn để nhắc nhở bản thân mình phải luôn nỗ lực.
Mỗi buổi sớm mai, cô men theo hai bên đường làng để hái những cành hoa dại thật đẹp về cắm trong những chiếc bình nho nhỏ, xinh xinh rồi đặt lên những chiếc bàn đón khách. Một ngày, nếu thiếu đi những bình hoa dại, cô thấy không gian như chùng lại, và vẻ đẹp của cái quán nho nhỏ, xinh xinh của mình cũng bị giảm đi.
Cô cũng để ý, những ai đã chọn ghé vào quán cà phê của mình cũng đều thích ngắm nhìn, thích nâng niu những cành hoa dại như chủ quán. Có lẽ, chính sự mộc mạc, chân phương của hoa dại mang đến cho họ cảm giác bình yên như đang ở quê nhà của mình vậy.
Sáng ra, vừa mới cắm xong bình hoa dại đặt lên chiếc bàn nhỏ xinh xinh đã có thực khách khen: Bình hoa đẹp lắm! Nghe lời khen của vị khách ấy, dù không mấy tự tin về “tài nghệ” cắm hoa của mình, nhưng cô vẫn rất vui vì một lý do rất đơn giản: Hẳn là vị khách kia cũng đồng cảm, cũng yêu loài hoa dại như mình.
Ngày thường, cô thích cắm những bình xuyến chi đón khách. Lâu lâu, cô “đổi món” bằng những bình hoa cỏ hôi, cỏ may hoặc hái một loại hoa gì đó rất dễ thương mà cô chưa biết tên.
Cô nói, hoa xuyến chi mong manh, nhẹ nhàng nhưng chứa đựng vẻ đẹp của sự sinh tồn mạnh mẽ. Còn hoa cỏ hôi thì ít rực rỡ hơn, cũng không ngát hương, chỉ có sự giản dị mà ấm áp.
Cô yêu sự mộc mạc, chân phương của loài hoa dại nên còn có cả bộ ảnh chụp kỷ niệm toàn hoa dại. Người ta mua rồi kết bông hoa này bông hoa kia làm vòng đeo lên đầu cho đẹp, còn cô lại “tôn thờ” hoa dại. Cô kết đan xen những bông hoa dâm bụt màu cam, màu hồng với những bông hoa xuyến chi cánh trắng nhụy vàng. Với cô, lạ mà đẹp!
Cô nhớ, một thời áo trắng đến trường. Trong khi các bạn thường tặng thầy cô giáo hoa hồng, thì cô tặng những bó hoa mình yêu thích nhất- hoa dại. Bởi vậy, bó hoa của cô mang tặng thầy cô giáo bao giờ cũng độc và lạ.
Sáng nay, quán cà phê của cô mở cửa sớm hơn thường lệ. Và trên bàn là một bình xuyến chi thật đẹp.
Sông Côn