Xúc cảm đầu Xuân
Như mọi ngày, tôi được các chú chim ríu rít gọi dậy đón những tia nắng đầu tiên trong ngày đầu Xuân. Mở toang cánh cửa ngắm những nụ hoa mai e ấp đang bung lụa khoe sắc mà thấy khóe mắt cay cay- mồng 1 Tết mình rồi đây sao?
Ở căn phòng kế bên, hai cậu con trai cũng thức giấc sớm hơn mọi ngày. Chúng mở toang của sổ rồi hớn hở gọi: “Mẹ ơi! Tết rồi hả mẹ?” Câu hỏi của các con càng khiến cho ký ức Tết cổ truyền của quê hương ùa về trong tôi.
Tôi quê ở tỉnh Kon Tum, đã lập gia đình và theo chồng sinh sống ở Thái Lan từ nhiều năm nay. Vì điều kiện hoàn cảnh nên không phải Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam năm nào cả nhà tôi cũng được trở về quê hương.
Tôi thường kể cho chồng và hai con nghe về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam với những phong tục như làm bánh chưng, bánh tét; xông đất, lì xì, thăm hỏi và chúc Tết người thân, bạn bè… Mỗi dịp Xuân về Tết đến, dù ở nước ngoài nhưng tôi vẫn cố gắng gìn giữ những phong tục Tết cổ truyền của người Việt. Tết đến, tôi thường mua nếp, đậu xanh, lá dông về gói bánh chưng, bánh tét; mua hoa mai để chưng trong nhà; mua sắm cho cả nhà những bộ áo dài để chụp ảnh lưu niệm…
|
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ mình mong đến Tết lắm. Vì Tết đến được má mua cho 1 bộ đồ mới- dù là đồng phục học sinh để dành bận đi học- nhưng vui lắm. Bộ đồ mới may xong được má lấy về, tôi cứ ca na cúm núm, ước gì ngày mai ngủ dậy đã là Tết để được mặc đồ mới. Rồi những ngày trước Tết, được quây quần bên ngoại để xem bà gói bánh tét. Sauk hi gói xong những đón bánh tét thật đẹp, bà cũng không quên gói cho mấy đứa cháu nhỏ nhưng chúng tôi mỗi đứa 1 cây bánh tét nhỏ xinh xinh đeo trước cổ chạy nhảy tung tăng vì vui sướng. Đến khi nấu bánh, chúng tôi cũng thức cùng bà nằm canh nồi bánh bên bếp lửa ấm suốt đêm, xong ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Sáng dậy, bánh nhỏ được vớt trước lại không dám ăn, đeo bánh đi khoe khắp xóm làng...
Nhớ lắm, cảm giác sáng mùng 1 Tết, căn nhà nhỏ của ba má luôn đông đúc con cháu quay quần. Mọi người ai cũng diện quần áo đẹp để chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới. Tiếng cười, tiếng nói đầu Xuân rộn ràng, ấm áp và hân hoan. Còn chúng tôi- những đứa trẻ thì luôn được người lớn lì xì, được nhận những lời chúc may mắn, tốt đẹp nhất.
Bây giờ, dù đã có gia đình nhỏ thật hạnh phúc, nhưng không ở đâu bằng quê hương của mình. Tôi luôn chỉ dạy các con mình về văn hoá Tết của người Việt Nam. Ngày này, tôi cũng cho các con diện áo dài, chỉ cho các con gửi những lời chúc mừng năm mới đến ba mẹ, điện về nhà chúc Tết bà ngoại và những người thân.
|
Ngày hôm qua, cả nhà tôi cũng đã cùng nhau trang trí một góc Tết quê ở nhà. Hai đứa con tôi rất hứng khởi khi được tự tay trang trí, gắn từng bông hoa lên tấm mành, cùng vẽ hoa lên quả dừa để trang trí...
Đối với những người đang sinh sống ở quê nhà, Tết là một điều hiển nhiên, thậm chí có người còn không mong đến Tết. Nhưng với những người con xa quê như tôi, vào mỗi dịp Xuân về Tết đến nhưng không thể trở về quê hương để sum họp bên gia đình, người thân lại thèm khát cho được một cái tết sum vầy.
Là một hoạ sỹ, tôi chỉ biết truyền tải xúc cảm của một người con xa quê luôn đau đáu nỗi nhớ quê mẹ qua những bức tranh rất đậm chất truyền thống Tết Việt như hoa mai, hoa đào, câu đối tết, chữ thư pháp.
Cách đây mấy ngày, tôi điện thoại về thăm nhà, má vui lắm vì thấy gia đình nhỏ của tôi, những đứa cháu của má đang rộn ràng không khí Tết. Tôi nói với má: “Đây là cách mà con trả lời cho hai đứa con của con: Tết là gì hả Mẹ? Ngày Tết người ta sẽ làm những gì?”.
Với tôi, luôn nghĩ, không phải gia đình nào cũng được ở cùng nhau, không phải gia đình nào cũng được đoàn tụ đầy đủ trong ngày xuân; nhưng ít nhất đây cũng là thời điểm mà mọi người mong ngóng nhất để được đoàn tụ bên những người yêu thương, cùng nhau bước qua một năm mới với những điều may mắn hơn và niềm tin sẽ hoàn thành những ước nguyện mà năm qua chưa thực hiện được. Và dù đi đâu, làm gì, quê hương cũng luôn là nơi để mỗi người chúng ta hướng về, nhất là Tết đoàn viên. Và gia đình nhỏ của tôi cũng quyết tâm, nhất định sẽ trở về quê nhà ăn Tết cùng gia đình trong một năm gần nhất.
Nguyễn Quyên