Xuân về trước hiên nhà
Hắn khoác vội cái áo ấm rồi mở cửa! Trời chưa sáng, vài ngôi sao còn nhấp nháy nhìn. Gió lạnh xô tới, cuống quýt quấn lấy hắn.
Mấy ngày nay hắn bận, rất bận nên phải ép mình rời khỏi giường khi con gà trống nhốt ở đầu hồi còn chưa cất tiếng gáy.
Nào, bắt tay vào công việc thôi. Hắn trùm mũ áo lên đầu, đeo găng tay, luồn chân vào đôi ủng nhựa lạnh ngắt lò dò đi ra khu vườn sau nhà. Hôm nay hắn muốn trồng mấy cây mai con vừa xin được ở một gia đình trong làng. Dù sao cũng chưa hết khoảng thời gian tốt nhất để trồng mai.
Mấy năm nay, hắn đang nỗ lực thực hiện ý tưởng trồng lại vườn mai của gia đình.
Nhà hắn nằm cuối làng. Nếp nhà 3 gian xây gạch, lợp ngói âm dương dựng từ thời ông nội hắn khiêm tốn náu mình trong một khu vườn rộng, được ông nội, rồi đến cha hắn trồng đủ loại cây trái, hoa lá.
|
Nhiều khi hắn thấy ngạc nhiên với cách cư xử của ông, của cha mình với khu vườn. Nó không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, pha tạp, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.
Đó là cây dừa trầm tư có thể tỏa bóng che cho khóm địa lan; dưới hàng mít là một bờ chè tàu mọc bề bộn đang đợi chủ nhân cắt tỉa; cây bưởi da xanh dựa bên gốc sầu riêng xù xì; rồi cam, chôm chôm, ổi.
Ấy thế mà có cả những toan tính cả đấy!
Nhiều lần hắn nghe ông nội giảng giải rằng, các sự ngẫu hứng ấy ẩn chứa triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, vạn vật bổ sung cho nhau, nương tựa vào, ôm ấp che chở nhau để cùng lớn lên, tỏa hương thơm, cho quả ngọt dâng đời.
Còn cha thì lại chỉ cho hắn thấy một góc nhìn khác, thực tế hơn. Những khu vườn kia còn mang trong mình cả những câu chuyện dài về sự “lo xa” của người xưa: Không “độc canh”. Bởi quan niệm “mùa nào thức nấy”, mùa nối tiếp mùa, trái nối tiếp trái, lúc nào trong vườn cũng có thể thu hái phục vụ nhu cầu tối thiểu của đời sống.
Hắn dừng lại một khoảnh vườn được khoanh bằng một vòng rào chắn. Bên trong, là những gốc mai trồng thành hàng, 1 năm tuổi có, 4-5 tuổi có, toàn giống mai rừng xưa, với 5 cánh nhỏ, vàng tươi, có hương thơm thoang thoảng.
Mỗi ngày, vào sáng sớm, hắn dành khá nhiều thời gian để theo dõi sự phát triển của những cây mai, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Ngày trước, ở ngay nơi hắn đang đứng đây cũng từng được ông và cha hắn trồng rất nhiều mai. Ít ai biết rằng, làng của hắn từng có tên gọi làng Mai. Thuở khai hoang lập làng, các bậc tiên hiền từ mạn Quảng Nam, Bình Định lên đã gửi gắm nỗi nhớ cố hương vào những gốc mai trồng quanh vườn nhà.
Khi hắn còn nhỏ, trong làng có rất nhiều mai, nhà ít cũng 3-5 cây, nhà nhiều thì cả vườn. Không phải kinh doanh, buôn bán gì, chỉ để ngày tết được mãn nguyện vì có hoa chưng. Xuân đến, mai nở vàng rực cả làng, mang lại vẻ đẹp hiếm có.
Mai ở làng hắn ngày ấy phổ biến là loại mai rừng, mai tự nhiên hay mai thiên nhiên, có năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to, có khi cao hơn chục mét, hương thơm thoang thoảng, lây lất mùi gỗ rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm như một số loài hoa khác.
Khi nở, ngày thứ nhất, 5 cánh và chùm nhụy xoè thẳng ra rất đẹp. Ngày thứ hai, 5 cánh vảnh lên và chùm nhụy dụm lại. Qua đến ngày thứ ba, 5 cánh bắt đầu rơi lả tả theo chiều gió, hoa tàn.
|
Cái cách trồng mai của ông bà ta cũng lạ lắm. Dù đẹp, nhưng không là cây lương thực như lúa, bắp, khoai, đậu nên ông bà chỉ trồng ở những khoảnh đất đầu thừa cuối thẹo trong vườn, để đến Tết có hoa chưng cúng, khỏi phải đi xin ai.
Ấy cũng là bởi dân ta xưa nay quan niệm đơn giản nhưng mang tính thực tế, lúc nào cũng phải ưu tiên lo đến cái ăn, cái mặc, rồi mới dám tơ tưởng đến thú ăn chơi.
Cây mai vàng được trồng với cách đó thì sự chết sống ra sao đều phó mặc cho trời, ít ai bỏ công sức ra chăm sóc, tưới bón. Chỉ đến ngày rằm tháng Chạp, người ta mới vội vã trẩy lá cho cây mai trổ hoa.
Đến ngày cận tết, người ta lại ra vườn chọn những cành mai nhiều hoa lớn nụ, cắt về cắm vào lộc bình rồi đặt lên bàn thờ chưng cúng. Còn cây mai nào đẹp đẽ được bứng gốc cho vào chậu đặt trong phòng khách chơi ít ngày xuân. Sau tết, họ lại đem về nơi cũ trồng lại.
Cha hắn có một cách “nhớ tuổi con” một cách độc đáo, mỗi một đứa con chào đời, ông lại trồng một cây mai nhỏ ở góc vườn nào đó. 4 anh em, 4 gốc mai. Gốc “già” nhất là 44 tuổi, bằng tuổi hắn.
Những gốc mai ấy đã theo anh em hắn qua những năm tháng tuổi thơ với biết bao vui buồn.
Rồi theo xu thế tất yếu, những vườn mai dần biến mất, nhường đất cho nhà cửa, quán xá. Những gốc mai cổ thụ cũng bị săn lùng, người ta sẵn sàng trả giá cao để mua và chuyển đi nơi khác.
Xuân về, sắc mai vàng không còn rực rỡ khắp làng. Chỉ còn chăng một số cây nhỏ sót lại, lặng lẽ bung hoa nơi góc vườn nào đó.
Gốc mai già kỷ niệm ngày hắn chào đời cũng đã bán rồi. Có một khách chơi mai, không biết qua ai giới thiệu đã tìm đến năn nỉ mua cho kì được. Lại đúng khi bố hắn bệnh nặng.
Hôm bán gốc mai, hắn đã phải trốn đi nơi khác, không nỡ nhìn người ta đào gốc, đem xe cẩu đến chuyển gốc mai đi.
Nắng bắt đầu hửng lên. Ít ngày nữa cũng sẽ đến kỳ lặt lá mai. Từ nay đến đó phải tăng cường thời gian theo dõi, quan sát cây mai hơn- hắn tự nhủ. Và vui vui khi nhớ đến những câu thơ mới được nghe hôm nào:
Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết
Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương
Mai vàng nở như em về đúng hẹn
Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường
Anh tuốt lá đợi mai về ngày tết
Chở mùa Xuân trên mỗi đóa vàng tươi
Không lâu nữa, bên cạnh những hồng, cúc, lan, thược dược, nguyệt quế, loa kèn, sẽ kiêu hãnh một sắc mai vàng quý phái.
Chỉ nghĩ đến đấy thôi là đã thấy Xuân về trước hiên nhà!
Hồng Lam