Xót lòng với… cây xanh
Chiều cuối tuần, như bao chiều khác, tôi chạy lòng vòng trên phố sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Những con đường, những hàng cây quen thuộc trôi qua. Nhưng khi dừng lại dưới gốc vông cổ thụ ở vòng xoay đầu cầu Đăk Bla theo thói quen, tôi ngỡ ngàng khi thấy, những cây vông cổ thụ bị cưa hết cành lá, chỉ còn trơ lại những đoạn thân.
Bỗng dưng thấy xót trong lòng!
Nhớ lại những ngày mới vào Kon Tum, lạ đất lạ người, tôi thường đạp xe từ khu tập thể cơ quan trên đường Thi Sách theo đường Trần Phú xuống đường Nguyễn Huệ, rồi ra đầu cầu Đăk Bla, khi ấy chỉ là một nút giao thông nhỏ, với một bên là bến xe liên tỉnh, cây xăng dầu, một bên là khách sạn Đăk Bla và những gốc vông cổ thụ.
Điểm dừng chân của tôi là quán nước lụp xụp dưới trước khách sạn, bên cạnh có một cửa hàng in tráng phim.
|
Gọi quán nước, nhưng thực ra chỉ là vài tấm tôn gác lên thân cây, dăm chiếc ghế nhựa, cái tủ gỗ xộc xệch đựng ly, phin pha cà phê, bình pha trà; cái bếp lò luôn phun khói.
Điểm hấp dẫn nhất của quán nuớc là nó nằm dưới tán lá um tùm, xanh quanh năm của một gốc vông cổ thụ. Ngày nắng nóng, đang chạy xe trên đường nhựa bốc hơi hầm hập, chỉ cần dừng dưới gốc cây, những ngột ngạt, oi bức được xua tan bởi gió mát, lá reo rì rào và tiếng chim véo von.
Nếu bất chợt gặp cơn mưa rào, dừng dưới gốc cây, tán lá rậm sẽ che chắn những giọt mưa, đảm bảo ta không bị ướt.
Ở đây không chỉ có cây vông này, mà còn có một số cây nữa, đều là cổ thụ vươn cành lá xanh tươi che mát cả một vùng.
Chưa có một khảo cứu cụ thể, nên tôi không biết những cây vông này được trồng từ bao giờ. Nhưng trong một bài viết (đăng trên Báo Kon Tum tháng 11/2014), nhà thơ Tạ Văn Sĩ ước tính rằng chúng đã trên trăm tuổi.
Ông dẫn bài viết “Lược khảo về tỉnh Kon Tum” của tác giả T.D.N in trên Nam Phong tạp chí số 74 phát hành tháng 8/1923 từng có đoạn viết về việc “lộ khách” trông thấy “đôi ba dẫy cây vông hiện ra” và “qua khỏi đò sông Bla, thế là đến Kon Tum vậy”.
Với bao thế hệ người “phố núi” đi làm ăn xa, những cây vông cổ thụ ấy như “cọc tiêu”, để mỗi khi về, chỉ cần nhìn thấy những tán vông xanh rì là thấy về nhà, bao mệt mỏi hầu như tan biến.
Sau này, để phục vụ việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, mở rộng nút giao thông đầu cầu Đăk Bla, một số cây vông ở khu vực này đã được cắt bỏ, chỉ còn lại 4 cây tồn tại cho đến nay.
Sở dĩ kể lòng vòng một chút là để thấy, những cây vông này đã gắn bó với đất và người Kon Tum lâu đến nhường nào. Và cũng để thấy, trong tâm trí người dân Kon Tum, những tán lá xanh tươi ấy thân thiết, quen thuộc đến nhường nào.
Nhưng bây giờ thì những tán lá ấy không còn. Mấy cây vông chỉ còn lại đoạn thân trơ trụi, với những cành to bị cắt cụt. Nhìn mà xót.
Không chỉ những cây vông cổ thụ ấy, mà còn có những cây xanh ở nhiều tuyến phố đang bị cắt tỉa “quá đau” như vậy.
|
Cách đây hơn một tháng, người dân đường U Rê (đoạn Trường Chinh - Lê Văn Hiến, thành phố Kon Tum) cũng xót xa khi những cây xà cừ, sao đen bị cắt trơ trụi, thiếu thẩm mỹ và không còn bóng mát.
Chứng kiến những hàng cây bị cắt trụi, hoặc “gọt sạch” một bên, tạo thành hình dáng kỳ dị, không ít người phải kêu lên: Cành nào cũng cưa đến sát thân cây thì còn nói gì là cắt tỉa. Nhìn những cây bị cắt, tỉa trơ trụi mà xót xa. Kiểu cắt tỉa “quá đau” như vậy có hợp lý không?
Cũng có người giải thích rằng, cắt tỉa cây xanh như trên là kỹ thuật cắt thấp, nhằm ngăn cây mọc thêm cành vươn lên quá cao, dễ gãy đổ. Rằng việc cắt tỉa như vậy không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây, lại đảm bảo an toàn cao.
Nhưng theo những người có kinh nghiệm, kỹ thuật này thông thường chỉ áp dụng với những cây còn nhỏ để quá trình phát triển thêm các nhánh sau đó được đồng đều, chiều cao cũng phù hợp.
Còn theo các nhà khoa học, việc cắt tỉa “quá tay” sẽ gây chột đối với cây đang phát triển, còn đối với cây cổ thụ thì không chỉ mất tác dụng tạo bóng mát mà còn mất tác dụng quang hợp tạo oxy, điều hòa không khí.
Được biết, trước mùa mưa hàng năm, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công ty Điện lực Kon Tum đều có kế hoạch và tiến hành cắt tỉa cây trên các tuyến phố nhằm phòng tránh cây cối ngã đổ, gãy cành, bảo đảm an toàn cho người dân và lưới điện.
Như bao người khác, tôi đồng tình rằng đây là một việc làm hết sức cần thiết, nhất là với những giống cây rễ nổi, gỗ mềm, dễ gãy, hoặc cây, cành khô, bị sâu, mục, có nguy cơ gãy, đổ.
Tuy nhiên, như đã nói, chỉ nên cắt những cây, cành có nguy cơ gãy đổ, hay khô mục, sâu. Đối với các cây xanh đang phát triển bình thường, khỏe mạnh thì việc cắt tỉa chỉ còn trơ lại thân cây rõ ràng là không hợp lý chút nào.
Đảm bảo an toàn, đề phòng cây xanh ngã đổ khi mùa mưa bão đến vẫn là yêu cầu tiên quyết, nhưng tùy khu vực và chủng loại cây, đơn vị cắt tỉa cần khảo sát, tính biện pháp phù hợp không ảnh hưởng đến khả năng phát triển, phục hồi của cây cũng như mỹ quan đường phố.
Trời chợt đổ mưa rào. Tôi ngồi trong quán nước dưới gốc vông trơ trụi, nhìn dòng nước xối dưới mái tôn mà ngậm ngùi nghĩ đến bao giờ thì những gốc vông cổ thụ kia mới lấy lại được màu xanh? Đến bao giờ thì những tán cây mới tỏa bóng che mát khung trời nơi cửa ngõ thành phố?
Hồng Lam