Xôn xao phố nhỏ
Phố đã tỉnh giấc. Bản giao hưởng nơi phố nhỏ bắt đầu ngân lên những nốt đầu tiên. Nếu lắng nghe, ta có thể nhận rõ âm thanh của từng loại “nhạc cụ” đang tham gia vào bản nhạc. Đầu tiên là tiếng mở cổng lách cách của người tập thể dục buổi sáng; tiếp đến là tiếng lăn bánh lọc cọc của xe phở gõ...
Chiều cuối tuần, nhận được tin nhắn của bạn: “Sáng mai gặp nhau nhé”. Bất ngờ quá. Đã 15 năm rồi, kể từ khi bạn chuyển công tác qua Đăk Lăk, rồi lại “di cư” về phố biển Nha Trang, có gặp nhau cũng chỉ qua tin nhắn, Zalo call, Messenger.
“Hay quá, ngồi ở đâu được nhỉ?”. “Ở đâu cũng được, gặp nhau là vui rồi. Hay là về phố cũ đi. Mình thấy nhớ con phố nhỏ ấy quá”. Trên Zalo nhấp nháy icon mặt cười của bạn.
Đọc tin nhắn của bạn mà trước mắt tôi như hiện lên con phố nhỏ xôn xao, nơi chúng tôi thuê nhà ở trọ trong những năm đầu xa quê lập nghiệp.
Ngày ấy, chúng tôi thuê nhà trọ ở một phố nhỏ thông với đường Nguyễn Huệ. Con phố ngắn, rộng ở phần đầu, càng vào sâu càng hẹp lại. Nó chạy qua mấy cây cột điện, qua ba cây ngọc lan, hai cây sứ trắng, cây me già và mấy chục căn nhà thấp cao đủ kiểu ở mỗi bên đường, rồi đâm xuống một cánh đồng mía bát ngát, kết thúc hành trình của mình. Sau này, khi đã quen thuộc, tôi mới biết rằng, ở Kon Tum có nhiều con phố nhỏ na ná như thế, cứ từ trung tâm chạy ra đồng, xuống bãi, ra sông, vào làng.
Phố nhỏ bầu bạn với tôi suốt 5 năm. Tôi thuộc từng chi tiết của những căn nhà trệt mái ngói hoặc mái tôn thấp lè tè nằm giữa lùm cây; thân thiết với chủ nhân của chúng. Họ tất bật rời nhà từ sáng sớm và mệt mỏi trở về khi phố đã lên đèn. Niềm vui lớn nhất của họ là tụ tập ở quán cà phê ông Bảy (gọi là quán, nhưng chỉ là mấy bộ bàn ghế nhựa đặt dưới gốc me cổ thụ ngay đầu phố) mỗi đêm để tán đủ thứ chuyện tầm phào cho nhẹ bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Tôi và bạn có chung sở thích là ngồi ở quán cà phê ông Bảy vào mỗi sáng tinh mơ và ngắm phố. Khi ấy, phố còn vắng tanh, mờ mờ dưới ánh sáng nhạt. Không khí trong veo, thoảng mùi hương dịu nhẹ của một loài hoa cỏ nào đó từ đâu theo gió đưa về, gió mơn man cuốn nhẹ trong lòng phố nhỏ.
Mới đó mà đã 15 năm… Ngày bạn chuyển công tác, tôi cũng chia tay phố nhỏ. Ngày cuối, 2 đứa dậy thật sớm, xuống phố ngồi, nhìn ông Bảy lúi húi pha trà, chiếc ấm đặt trên lò than tổ ong sôi ùng ục, nước phụt qua vòi, kêu sèo sèo dưới đất. Không ai muốn lên tiếng, dường như sợ phá vỡ sự yên tĩnh của phố.
|
Cuộc sống ngồn ngộn cứ ùa đến, ùa đến rồi trôi đi, trôi đi. 15 năm nay tôi hầu như quên khuấy đi “người bạn cũ”, dù vẫn sống gần nó, nhiều khi đi qua nó một cách vô tình. Biết đâu rằng, phố vẫn đón chờ tôi mỗi sáng, vẫy chào tôi bằng những nhánh gầy nhom của mấy thân cây già nua.
Và sáng hôm nay. Bạn cùng tôi trở về phố nhỏ, khi những vì sao khuya còn nhảy nhót trên nền trời xám nhạt.
Tất cả đều như mới hôm qua. Phố thay đổi nhiều, khang trang hơn, nhà cửa đẹp hơn, nhưng quán cà phê ông Bảy vẫn vậy, mấy bộ bàn ghế nhựa bày dưới gốc me cổ thụ. Ông Bảy ra đi sau một cơn tai biến, đứng bán là cô con gái út, giờ đã một nách hai con. Hồi ấy bạn hay đùa rằng, dù ngồi thờ ơ trước cuộc sống náo nhiệt và vội vã, ông Bảy lại là một “trạm thu phát tự động” mọi thông tin rất vỉa hè, từ chuyện đời tư các ngôi sao, chuyện tai nạn giao thông, chuyện giật hụi cho đến chuyện ở nước Nga, nước Mỹ… Thú vị một điều, tất cả các chuyện, qua lời kể hóm hỉnh của ông, đều trở nên hài hước và nhẹ nhàng.
Bạn nói, cho đến bây giờ, vẫn giữ thú vui ngồi uống cà phê ở vỉa hè vào mỗi sáng sớm, ngồi vì thích thực sự chứ không phải giả bộ cho ra vẻ “bình dân”. Những lúc như vậy, bạn thấy cuộc sống đi những nhịp ngẫu hứng rất tài tình, rộn ràng mà thầm lặng, như một bức tranh sinh động có rất nhiều màu được phối ngẫu hứng bởi bàn tay một họa sỹ tài hoa.
Gió mùa thổi rào rạt trên những mái vòm, những tán cây trên phố nhỏ. Năm nay rét sớm và đậm hơn năm ngoái. Như sáng sớm nay, ứng dụng đo nhiệt độ trên điện thoại chỉ 130C. Cây me già thỉnh thoảng rùng mình, rắc xuống những cánh lá mỏng úa vàng.
Nhưng phố thì đã tỉnh giấc. Bản giao hưởng nơi phố nhỏ bắt đầu ngân lên những nốt đầu tiên. Nếu lắng nghe, ta có thể nhận rõ âm thanh của từng loại “nhạc cụ” đang tham gia vào bản nhạc. Đầu tiên là tiếng mở cổng lách cách của người tập thể dục buổi sáng; tiếp đến là tiếng lăn bánh lọc cọc của xe phở gõ. Anh chồng phụ vợ bày biện vài bộ bàn ghế rồi bắt đầu nổi lửa bắc nồi nước lèo.
Cửa hàng bánh cuốn, bánh xèo ở khoảng giữa phố cũng quạt than, nhóm lò. Khói bốc lên, gặp sương còn ướt nên bay vẩn vơ trước mái hiên. Ở nhà nọ, chiếc xe tải rùng mình, nổ máy sau một đêm nghỉ ngơi, chui khỏi mái che.
Quán cà phê đông khách hơn. Họ ngồi quanh chiếc bàn nhựa giữa quán, chờ phin cà phê tý tách rơi và rì rầm chuyện trò về nhân tình thế thái hay làm ăn.
Từ ngôi nhà ở cuối phố, giáp với bãi mía rộn lên tiếng xe nổ máy. Lát sau, anh chồng lái xe máy, cô vợ ngồi ngất ngư phía sau, kéo theo chiếc xe 2 bánh chất cao nghệu rau củ mới thu hái chiều qua, chạy ra chợ đầu mối.
Loáng cái, phố hết ngái ngủ, xôn xao đầy sức sống đón ngày mới. Những âm thanh quen thuộc nổi lên, hòa trộn vào nhau thành một bản giao hưởng cực kỳ lộn xộn nhưng cũng vô cùng ấm áp và gần gũi. Xe phở gõ khá đông khách, toàn là người chở con đi học. Tôi tò mò nhìn cô bé phụng phịu không chịu ăn làm người mẹ dỗ dành mãi. Ngoài kia, xe cộ và người đã chảy thành một dòng đông đúc, ngược xuôi tới mọi nơi.
Một em gái bày bán bánh tráng trộn, gỏi khô mực, trà sữa… Ấy vậy mà hút khách đáo để. Học sinh từ mấy trường học trung học gần đấy kéo tới ngồi đầy bàn, cười đùa vui vẻ trong ánh nhìn độ lượng của mấy người lớn. Tuổi trẻ mà, vui vẻ tý, xả hơi tý rồi lại lao vào học đến tối.
Cô bán bắp nếp tần ngần ghé xe vào bên cạnh gốc cây. Khi cái sọt tre bọc nilon kỹ càng được mở ra, mùi bắp luộc ngọt ngào theo gió ngan ngát lan tỏa khắp không gian nhỏ bé trong lòng phố.
Cứ thế, phố tiếp tục rộn ràng niềm vui ngày mới với đủ mùi vị, âm thanh. Và chúng tôi thủng thẳng hòa mình vào không khí xôn xao của phố nhỏ, như vốn dĩ thuộc về nơi này.
Văn Tý