Xốn xang chợ Tết
Tôi yêu tháng Chạp vì có Tết, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, không chỉ vì thời tiết cuối Đông đầu Xuân như ủ men, làm người ta say, mà còn vì cái chợ nhỏ gần nhà xốn xang hẳn lên, náo nức hẳn lên.
Đó là một cái chợ nhỏ, quê kiểng, dù tiếng là ở thành phố. Nó nằm khiêm nhường bên con đường chạy vào xã, với những mái tranh lụp xụp, những tấm dù rách tướp, những rổ rá xếp trên cỏ hay những tấm nilon, bao bố trải trên nền đất.
Đa số người bán là những nông dân thực thụ, bày bán những thứ quê kiểng, lượm lặt trong vườn, trên ruộng. Hầu hết người mua cũng là nông dân, hoặc cán bộ, viên chức nhà nước sinh sống ở xã vùng ven này.
Chợ chỉ họp buổi sáng, bắt đầu từ khoảng 5 giờ, bằng vài ba quầy bán quần áo lưu động bật đèn, mở nhạc.
Tiếp đó là ai đó trải tấm nilon ra nền đất, bày mấy trái bí xanh mỡ màng; mấy túm măng khô vàng sậm như mật; mấy buồng chuối bắt đầu chín tới lên trên. Rổ trứng gà gác lên trên sọt rau muống, rau lang mướt mát, lồng vịt con đặt bên cạnh là vừa đủ chỗ.
Rồi những chiếc xe máy chở lặc lè rau củ quả từ nhiều hướng đổ về chợ. Cũng có chiếc xe đạp chở đôi sọt tre nặng rau cải, rau muống, khổ qua, cà chua lầm lũi đi vào.
|
Hoặc mấy mẹ, mấy chị tay xách nách mang kiếm chỗ nào trống ngồi xuống. Dân quê mà, bòn mót trong vườn được mớ rau, nải chuối, rổ khoai; dành dụm được ổ trứng gà; nụm nịu nuôi được mấy con vịt, đem đi chợ bán, mua mắm muối, bột ngọt, bộ quần áo mới cho con cháu.
Bày hàng xong, trong lúc chờ khách, người bán hàng chụm lại với nhau rôm rả chuyện chồng con, chuyện làng xóm, ruộng lúa, vườn cây. Thành ra chợ không chỉ bán gà, bán cá, bán rau củ trong vườn nhà, mà còn chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn, nên thắm đượm nghĩa tình.
Cứ thế, chợ tấp nập, rộn ràng từ khi những mớ rau, con cá đầu tiên được bày ra cho đến trưa, khi những gia đình trẻ đi làm về, cuống quýt ghé vào chợ mua bó rau tươi, mớ tép về nấu cơm trưa.
Nhiều người đã quen mặt biết tên, gọi điện trước cho chị bán hàng chuẩn bị sẵn, chỉ việc ghé qua lấy. Chẳng ai cân đo đong đếm lại, bởi có hề gì chuyện nặng nhẹ đong đo ấy. Họ mua được đầy ắp lòng tin của nhau rồi.
Nhưng đến gần Tết thì chợ của tôi lại khác hẳn. Cũng là những mái tranh lụp xụp, những tấm dù rách tướp, những rổ rá xếp trên cỏ hay những tấm nilon, bao bố trải trên nền đất, nhưng đầy tươi mới và xốn xang.
Năm nào cũng như năm nào, Tết về chợ sớm hơn bất cứ đâu. Khi mọi người đang còn lụi hụi với cuộc mưu sinh thì những chị bán hàng mã, hàng khô đã âm thầm nhập hàng về.
Rồi một buổi sáng, người đi chợ thấy nào mứt, nào hạt dưa, nào bánh kẹo đựng trong hộp xanh đỏ sặc sỡ, rồi những bộ quần áo ông Công, ông Táo tràn trên sạp, trên kệ mới hớt hải kêu lên: Đã Tết rồi cơ à.
Thế là nhoáng cái, chợ bắt đầu được tô điểm thêm màu sắc vàng ươm như nắng mùa Thu rót về của hoa cúc, hồng rực của hoa giấy, sau nữa mới đến hoa lan, hoa mai, các loại cây cảnh, bon sai, rồi cuối cùng quất và hoa đào mới “đổ bộ”.
Năm nay thì khác, cặp vợ chồng bán quất cảnh “mở hàng” đầu tiên ở chợ. Sáng qua, tôi đi ngang chợ, vẫn thấy như thường lệ, với rau củ, vịt gà, nhưng buổi chiều, bãi đất trước chợ đã “thay áo” bởi những chậu quất Tết.
Rồi như được “lệnh”, sáng nay, hàng hóa Tết cũng ngập tràn những kệ, những quầy, những sạp. Rồi người mua mỗi lúc đông dần. Tôi cũng vào chợ, chen vai thích cánh, chào hỏi rộn ràng.
Mấy hôm nay trời chợt trở lạnh, lại có mưa nhỏ nên nền chợ có chỗ khô chỗ ướt. Nhưng người đông, chen chúc một hồi thì chẳng còn thấy lạnh nữa, chỉ thấy vui bởi cái ồn ào, cái hạnh phúc được hòa mình vào chợ Tết.
Lại càng thấy chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kì lạ, lại gạt đi cái ý muốn về bởi mệt trong đầu.
Nó gợi cho tôi ký ức về chợ quê ở nơi xa lắc xa lơ. Cũng những cái lán, những quầy, những sạp hàng trải dưới đất như thế.
Năm nào cũng vậy, đi chợ Tết là cả một vấn đề phức tạp đối với gia đình tôi, hay đúng hơn là với mẹ tôi. Từ giữa năm mẹ đã trăn trở, tính toán dành dụm tiền mua vải (tất nhiên là vải thường thôi), để cuối tháng Mười Một đặt cô thợ may trong xóm may quần áo mới cho con. Vì mẹ sợ để đến gần Tết thì cô không nhận, hoặc nếu có thì tiền công cũng sẽ cao.
Chuyện ấy thành quen, sau này, khi chúng tôi đã có cuộc sống riêng, cứ gần Tết bà lại gọi điện hối đặt may quần áo mới cho cháu. Tôi cười, đùa “mẹ lạc hậu quá, bây giờ có sẵn ngoài cửa hàng, 5 phút là xong”.
Thế là bà giận, Tết năm sau không gọi nữa, làm tôi ngóng mãi. Hóa ra, mưu sinh trên quê mới, xa nhà cửa ông bà, xa quê hương, bố mẹ, cái làm cho tôi nhớ nhất là Tết, mà nhớ đến Tết là tôi không thể nào quên được chuyện mẹ tôi may quần áo mới cho con. Lại thấy thèm được bà gọi điện nhắc như mọi khi.
Bắt đầu vào đầu tháng Chạp, mẹ tôi thức từ tinh mơ, khoác một cái áo bông dày, đạp xe lên chợ để mua những thứ cần thiết, vì sợ để đến qua rằm mới mua thì đắt. “Nhà mình nghèo, phải lo xa như thế mới có được cái Tết tươm tươm chút”- mẹ nói.
Đó cũng là lý do vì sao tôi vẫn thích, vẫn thấy xốn xang với chợ Tết. Dù chuyện mua sắm Tết bây giờ gọn lắm, nếu muốn chỉ cần vài cuộc điện thoại hoặc vài cú nhấp chuột vi tính là có đủ thứ.
Chen chúc, chào hỏi một hồi đã thấm mệt, tôi ngồi nhờ cái ghế bắc trước khu bán quất cảnh, được vợ chồng chủ hàng mời ly nước trà tươi nóng hôi hổi, bốc khói nghi ngút. Trò chuyện với anh chồng mà lây cái niềm hy vọng của anh “rằng sẽ về nhà đón giao thừa”. Mong là vậy- tôi thành tâm nói.
Ở ngoài kia, chợ Tết vẫn xốn xang!
HỒNG LAM