Vương vấn hương vị tết quê
Hết Tết, như bao người khác, tôi lại tạm biệt ba má và những người thân yêu, tiếp tục cuộc mưu sinh mải miết, mà trong lòng còn vương vấn mãi hương vị tết quê nhà.
Một năm, với 365 ngày dài đẵng đằng bận bịu công việc, nên chị em tôi ít có dịp trở về thăm nhà, thăm ba má, nếu có thì cũng chỉ tranh thủ được vài ngày, rồi lại tất tả rời đi. Chỉ khi Tết đến là cả nhà mới có dịp sum vầy đông đủ. Vì vậy với chúng tôi, thời gian nghỉ tết sao mà ngắn ngủi và trôi qua chóng vánh quá.
Ngày nhỏ, không ai nghĩ lớn lên mỗi người sẽ đi một nơi, nhưng rồi cuộc mưu sinh đưa đẩy, đành phải chấp nhận. Và như một sợi dây vô hình níu kéo, càng đi xa càng thấy nhớ, càng thấy thèm được trở về.
Thế nên, Tết đến, dù ở đâu, làm gì, chị em tôi luôn háo hức chờ mong cái ngày được đứng trước cánh cổng cũ kỹ và gọi “ba ơi, má ơi, mở cổng cho con với”.
Và sau đó, căn nhà nhỏ cứ rộn lên, cứ tất bật lên, với đủ thứ việc không tên, không thời gian. Thích nhất là khi quây quần bên nhau để làm bánh mứt, dọn dẹp nhà cửa, kể cho nhau nghe những câu chuyện sau một năm dài xa cách.
|
Rồi những bữa ăn đầm ấm, ồn ào và náo nhiệt. Mấy đứa cháu làm mọi thứ rối tung. Cũng chỉ là những món ngày xưa má thường nấu, như một tô canh chua cá đồng, một niêu cá bống kho tiêu hay một nồi thịt kho tàu, vậy mà ngon vô cùng.
Vì Tết ấm tình thân nên ăn gì cũng thấy ngon chăng!
Tết quê, nhìn đâu cũng thấy thương, thấy thích. Một góc vườn quê xanh mướt những luống rau; các bà, các chị xách giỏ đi chợ khi trời còn mờ sương để bán mớ lá chuối, cọng lạt vừa mới chẻ được hay con gà nuôi trong vườn nhà đều chất chứa hồn quê bình dị và thân thương.
Rồi mấy ngày gần Tết, nhà nhà làm bánh mứt truyền thống, lan tỏa khắp làng mùi thơm của bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa. Bà con họ hàng cũng thường xuyên ghé đến nhà nhau, chia sẻ cho nhau những món quà bình dị như mớ rau, con cá hay chút bánh, mứt, rượu, trà để cùng nhau đón Tết, càng làm cho hương vị tết quê nhà thêm đậm đà tình nghĩa hơn.
Buổi tối cuối cùng ở nhà sau Tết, tôi vừa gói ghém hành lý vừa ước ao Tết dài thêm chút nữa, để cho thời gian được ở bên gia đình, bên những người thân yêu của mình được nhiều hơn.
|
Mấy đứa nhỏ thì ngồi tính, còn ba trăm mấy mươi ngày nữa sẽ lại được về quê ăn Tết. “Mới ăn tết xong mà đã tính rồi hả con”- ba nói vui với mấy đứa nhỏ. Nhưng rồi ba lại động viên chúng: “Thấy vậy chứ đến Tết cũng nhanh con à. Ráng học giỏi, đến Tết về ông lì xì nữa nhé!”. Câu chuyện của mấy ông cháu nhanh chóng xua tan chút buồn, chút nhớ khi nghĩ về chuyến hành trình sẽ rời quê lên phố để mưu sinh.
Đêm về khuya se lạnh, mấy chị em nằm “xếp cá mòi” trong gian nhà nhỏ mà cảm giác ấm áp làm sao. Chỉ muốn sau một đêm chìm vào giấc ngủ, sáng ra vẫn còn là những ngày tết để được ở bên người thân lâu hơn, quẳng gánh lo toan công việc và cuộc sống thường nhật.
Tính ra phải một năm nữa mới được về ở lâu trong căn nhà nhỏ, được quây quần bên mâm cơm gia đình cùng những người thân yêu của mình. Món ăn này ba làm cho đứa cháu yêu, món ăn kia má làm cho con gái, những đôi đũa cứ bắt chéo để gắp thức ăn cho con, cho cháu của người thân mà yêu thương thật nhiều. Xa quê, nhiều lúc công việc mưu sinh nhọc nhằn, có ngày chỉ là những bữa cơm hộp ăn vội bảo sao không nhớ không khí đầm ấm này cho được.
Chuẩn bị hành lý, trong ba lô, túi xách, ba má nhét vào đó bao nhiêu là thứ. Nào là bánh chưng, bánh tét, nào đồ ăn thức uống rồi thì đặc sản quê nhà. Lòng lại dạt dào bao niềm thương nỗi nhớ.
Xe bắt đầu lăn bánh. Những ánh mắt dõi theo bịn rịn, những bàn tay vẫy và những lời cầu chúc của người thân, bà con lối xóm năm mới sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt để năm sau lại về quê ăn Tết theo tôi suốt chặng đường dài.
Những ngày này, giữa cuộc mưu sinh mải miết, trong lòng tôi vẫn vương vấn mãi hương vị tết quê nhà.
SÔNG CÔN