Vương vấn đồi hoa cỏ đuôi chồn
Không thanh tao như hoa anh đào, hoa mai, không kiêu sa và lãng mạn như hoa hồng, không ngạt ngào hương thơm như hoa ly..., hoa cỏ đuôi chồn mang vẻ đẹp hoang sơ đến nao lòng.
Đứng từ dưới gần chân đồi Măng Đen ngước mắt nhìn lên, tôi thấy một rừng hoa cỏ đuôi chồn khoe sắc tím pha trắng bạc dưới trời đông. Gió ào ào thổi. Những chùm hoa cỏ đuôi chồn uốn mình như vẫy gọi. Rồi những tia nắng ươm vàng giữa tiết trời se sắt như kết nối cờ hoa với đất trời.
Đồi hoa cỏ lại nằm trên khung cảnh hoang sơ, thoáng đãng khiến tôi phải “chết” lặng. Đẹp. Đẹp đến mê hồn. Kể từ dạo ấy, hàng năm vào những ngày cuối đông tôi thường đến đây ngắm cỏ đuôi chồn. Không đi cùng người đẹp, không đi cùng bạn bè, tôi một mình tự do thả hồn cùng đồi hoa tri kỷ. Tự đắm mình cùng hoa cỏ đuôi chồn và hít hà cái lạnh sắt se cùng đất trời hàng giờ mới thôi.
Cỏ đuôi chồn gắn bó với tôi như một mối lương duyên. Hễ năm nào không đến kịp, lại thấy người bồn chồn, thấy nhớ. Quanh thành phố Kon Tum cũng có nhiều nơi có cỏ đuôi chồn, nhưng tôi chưa thấy nơi nào cỏ đuôi chồn bung tràn tới cung mây, mang vẻ đẹp hoang sơ dưới trời giá buốt và sợi nắng ươm vàng đẹp đến nao lòng như ở lưng đồi Măng Đen.
|
Cỏ đuôi chồn không ai trồng nhưng đều tăm tắp. Mặc cho gió cuốn mưa bay, mặc cho cái lạnh căm căm, nhưng đồi hoa cỏ đuôi chồn vẫn ngạo nghễ khoe mình hàng tháng trời trong mùa đông. Và nghĩ cũng lạ, dưới tiết trời giá rét, đồi hoa cỏ đuôi chồn như thách thức đất trời, như gọi mời lãng tử, như chia sẻ nguồn cảm hứng cho các thi nhân và là nơi để các giai nhân tạo dáng.
Còn nhớ cách đây gần ba chục năm, tôi tốt nghiệp đại học, lên Tây Nguyên tìm việc làm, khi đi qua các các dãy núi, các sườn đồi huyện An Khê đến thị xã Plei Ku - nay là thành phố Plei Ku (Gia Lai), tôi gặp nhiều triền cỏ đuôi chồn đẹp cũng để lại trong tôi những cảm giác khó quên và cảm thấy mình đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Trước cao nguyên nắng gió và sắt se lạnh, cỏ đuôi chồn hút hồn và khiến tôi nhiều lần thao thức.
Rồi lại từng gặp người đẹp tạo dáng trên các dải đồi hoa cỏ đuôi chồn hanh hao, khoe sắc biếc trước khung cảnh nguyên sơ ở đồi núi Kon Tum trong buổi chiều tà... Kỷ niệm về các mối lương duyên với cỏ đuôi chồn thì nhiều, nhưng đẹp nhất, gợi miền nhớ thương khó tả nhất, làm thao thức lòng nhất, đưa tôi về những miền ký ức xa xôi, vô định; kết nối tôi với đất trời... lại là đồi cỏ đuôi chồn trên đồi hoang ở lưng đèo Măng Đen.
Có người nói, ở Gia Lai hoa dã quỳ mới là loài hoa tượng trưng cho sức sống, sức vươn lên của người dân Tây Nguyên. Hoa dã quỳ được vinh danh ở miền núi lửa xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Tôn vinh hoa dã quỳ, trong mấy năm trở lại đây, UBND huyện Chư Păh tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ.
Từ đỉnh Chư Đăng Ya, người ta lướt dù ngắm đồi dã quỳ bung hoa vàng rực rỡ trên miền đất đỏ bazan. Mùa lễ hội, du khách đến đây ngắm hoa dã quỳ nhiều vô kể. Nếu ở Gia Lai, hoa dã quỳ được tôn vinh ở miền núi lửa Chư Đăng Ya, tôi nghĩ đồi hoa cỏ đuôi chồn tím bạc chênh chao trong giá lạnh, kết nối với đất trời ở lưng đèo Măng Đen, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cũng xứng đáng được tôn vinh không kém.
Còn gì thú vị bằng, đứng ở lưng đèo Măng Đen ngước nhìn đồi hoa cỏ đuôi chồn khoe sắc tím, trắng bạc vương sợi nắng vàng trong tiết trời se sắt lạnh giữa man mác trời mây; rồi lại tiếp tục lên Măng Đen xem mùa hoa đào khoe sắc hồng tươi, thả hồn giữa non xanh nước biếc. Thật là lãng mạn!
Đông năm nay, chưa đến thăm đồi hoa cỏ đuôi chồn, tôi lại thấy nhớ! Đừng trách nhé đồi hoa tim tím, chênh chao trong giá lạnh. Hẹn với đồi hoa tri kỷ, tôi sẽ đến thăm hoa khi xuân sang.
Văn Nhiên