Vùng non xanh mát
Hắn bừng tỉnh giấc khi tiếng chiêng du dương vọng tới. Gió lùa trên mái nhà sàn xào xạc. Vậy là hắn đã sống trọn một ngày, một đêm ở khu vườn xanh mát ở vùng ven thành phố này. Điều đó làm ông lão chủ nhà ngạc nhiên. Bởi khi đến đây, hắn chỉ xin ông ở lại một buổi sáng.
Hôm trước, khi rã rời với chữ nghĩa, hắn nảy ra ý định đi đâu đó cho khuây khỏa. Nhưng “đi đâu” lại trở thành một câu hỏi khó trong những ngày dịch bệnh phức tạp này. Các điểm du lịch có thể kéo hắn ra khỏi máy tính, nơi hắn có thể hòa mình với thiên nhiên, đều đã phải ngừng hoạt động.
Hắn than vãn với người bạn làm hướng dẫn viên du lịch về bế tắc của mình, cậu ta cười lớn: Tưởng gì. Nếu cuộc sống của ông đã mệt nhoài với công việc rồi thì tôi sẽ đưa ông đến một nơi, gần thôi, đảm bảo ông sẽ thích.
Hóa ra, đó là một điểm du lịch mà hắn đã nghe nói nhiều, nay đang ngừng hoạt động vì dịch bệnh. Vì vậy gã khách “trái mùa” là hắn được chiêu đãi “món” đầu tiên mang tên “vắng vẻ”. Vắng đến ngộp thở. Cả khu vườn rộng xanh mát chỉ thấy mấy con gà tìm thóc gạo rơi vãi bên cái cối gỗ mòn vẹt; những bông hoa dại nở tim tím bên tảng đá xanh rêu, mọc đầy dây trầu bà, róc rách nước chảy.
Đón hắn là một ông lão và một cô bé. Ông tầm ngoài 70. Cháu khoảng 12-13 tuổi. Ông có mái tóc bồng bềnh, dáng người quắc thước, vừa phóng khoáng, cởi mở của một thi sĩ, hiền hòa như một ông giáo làng, lại cứng rắn, vững vàng như cây cà chít trong rừng. Cháu nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn và láu lỉnh.
|
Hẳn ông lão phải nể bạn hắn lắm mới nhận lời cho hắn đến nghỉ ngơi trong những ngày này. “Mình không nên làm khó người khác. Một buổi sáng là đủ rồi”- hắn nghĩ thầm. Vì vậy, hắn nói chỉ ở một buổi sáng mà thôi.
Ông lão im lặng gật đầu.
Nếu bình thường, cũng đông khách. Người phố thích không gian yên tĩnh, thích cây cối, thích trang phục và đồ ăn ở đây. Nhưng nay vắng là vì dịch bệnh- cô bé liếc hắn, giải thích với giọng “già chát”, khiến hắn bật cười.
Đó là cháu ngoại của già- ông lão cũng cười, xoa nhẹ mái tóc cô bé.
Chỉ ít phút sau, hắn kết luận, cậu bạn đã đúng khi giới thiệu một cách rất hình tượng, rất cảm động rằng, ở đây chỉ có rượu là cay thôi (bạn hắn không uống được rượu), tất cả thì ngọt bùi và hấp dẫn.
Ẩn mình trong không gian rộng hơn 2000 m2 là cây nêu, máng nước, nhà sàn, cùng các hiện vật trong sinh hoạt hàng ngày như cồng, chiêng, ghè, cung tên, giáo, mác, bầu, gùi..., vốn là những nét văn hóa đặc trưng của người Ba Na. Còn có khu ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Ba Na. Có cả nơi biểu diễn cồng chiêng, nếu được khách yêu cầu, ông lão và một số bạn già trong làng sẽ biểu diễn.
Nghe kể lại rằng, để có được hình hài điểm du lịch hôm nay, ông lão và vợ con đã mất hàng chục năm trời lặn lội tìm kiếm, nhặt nhạnh, mang về từng cây gỗ; xin từng cột kèo nhà sàn cũ; lên rừng đào từng gốc sung, lộc vừng, đa về trồng trong vườn.
Chưa hết, ông lên núi gom góp từng phiến đá, hòn sỏi về tạo hình non bộ; thậm chí vào tận vùng “hang Cọp” chở đất về, đổ thành một chiếc gò nhỏ trong vườn nhà. Dành dụm tiền mua lại từng chiếc chiêng, chiếc cồng; mày mò làm trống táp (loại trống nhỏ dùng tay vỗ hai đầu) bằng gỗ và da bò, để hòa âm vào nhịp chiêng cho thêm đa thanh, sinh động.
Đến đây, du khách sẽ được khoác lên mình những bộ váy áo thổ cẩm truyền thống của người Ba Na. Sẽ học đánh đàn t’rưng, đánh cồng chiêng, múa xoang dưới sự hướng dẫn của ông lão. Cùng cô cháu gái nướng gà, cơm lam; nấu món cà đắng, lá mì, măng chua…
…Hắn vươn vai bước xuống cầu thang, đi về phía tiếng chiêng. Màn sương sớm đùng đục như sữa thở phập phồng trên những tàng cây. Giờ này hẳn cháu gái đã đi học, ông già lui cui dọn dẹp nhà cửa, rồi lại thả hồn với cây, với đá sỏi và chiêng.
Đã qua một ngày một đêm, hắn không rời đi nổi như đã nói, cũng không thấy ông già “mời” hắn đi. Có lẽ vì thấy hắn mê mải với cồng, chiêng, với cây cối, với không gian xanh này chăng?
Gió đầu mùa se sắt thổi về từ phía cánh rừng cao su. Ông lão ngồi bên gốc sung còn già hơn ông, ôm chiếc chiêng cũng cũ kỹ, già nua như mình vào ngực. Mái tóc điểm bạc buông tự do xõa xuống vai, khuôn mặt như tạc bằng đá đang đắm chìm vào ký ức.
Lúc này, trước mắt hắn, ông già hơn 70 tuổi thoắt trở lại thời tráng niên kiêu hãnh của núi rừng. Bàn tay thô ráp của ông đấm nhẹ vào lòng chiêng. Dường như giữa ông và chiêng có sợi dây gắn kết vô hình, chỉ chờ ông chạm vào là thức tỉnh, khi nỉ non, du dương, lúc trầm buồn, réo rắt lang thang trên những vạt cao su mờ sương.
Nghe tiếng chiêng, hắn ngỡ ngàng nhận ra, tâm hồn mỏi mệt của mình đang mềm ra, đang dần thôi khô khát. Những suy nghĩ nặng trĩu trong lòng dần nhẹ, cảm giác như đang đi trong trời mưa với đôi giày ướt sũng thì tạnh ráo, được tháo giày ra bỏ bên đường.
Ông lão chợt nói, khi tay vẫn đang vỗ nhẹ nhịp chiêng: Già nghe mấy anh ở xã nói, tỉnh có chủ trương cho mở cửa du lịch rồi. Nhiều điểm du lịch sẽ được mở cửa hoạt động trở lại, nếu đảm bảo quy định về an toàn phòng dịch. Chắc là không dễ với ông già này.
Hắn nghiêng đầu nhìn dãy váy áo thổ cẩm phơi trên sào, thỉnh thoảng gió lại thổi phấp phới như đàn bướm nhiều màu sắc, rồi nói chắc nịch: Yên tâm, con sẽ giúp già.
Tiếng chiêng chợt lúc gần lúc xa. Trong đầu, hắn bắt đầu hình dung mình phải làm những gì để giúp ông lão, giúp vùng non xanh mát này.
Yên tâm đi, nghề của hắn mà!
HỒNG LAM