Vọng về nỗi nhớ tháng 5
Người ta bảo tháng 5 có trăm nỗi nhớ… Cũng bởi tháng 5 đã vào chính hạ với bao kỷ niệm của tuổi thơ, học trò khắc vào hoài mong. Đã thế, tháng 5 còn được đánh dấu bằng những ngày lễ không thể nào quên. Bước chân vào tháng 5, mấy ai lại không rạo rực, bâng khuâng với bao điều lưu luyến!
|
Nhớ những tháng 5 xa xưa, khi chuẩn bị kết thúc năm học, lũ trẻ xóm tôi đã bắt đầu gom giấy, vuốt nan tre chuẩn bị cho việc làm diều để có thể vi vu trên khắp ruộng đồng, bờ bãi vào những ngày hè lộng gió. Những trưa hè oi ả, trẻ ở quê thường trốn ngủ bởi sự mời gọi của một khúc sông quê xanh mát hay của một cánh đồng làng bát ngát, đầy cá tôm. Tháng 5, quên sao được mùi khói đốt đồng vương vấn theo chân ta về đến tận ngõ nhà. Tháng 5 còn có bao nhiêu ụ rơm vàng thơm thơm rải rác khắp đường làng ngõ xóm để tối đến ta lại tha hồ chơi trò trốn tìm.
Tháng 5 gom về cho tuổi học trò bao sắc hoa thương nhớ. Một chiều tháng 5, nghe ai đó ngâm nga: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”, ta biết hè đã về qua hình ảnh từng bông lựu như thắp lửa. Thế rồi tuổi học trò cứ thế ùa về trên những cánh hoa thương thuộc. Là hàng điệp vàng trên đường tới trường. Là gốc bằng lăng trước cửa lớp với những cánh hoa mỏng manh, tím biếc rung rinh trong gió chiều man mác. Là những chùm phượng vĩ điểm tô khắp sân trường, gieo vào lòng ta nỗi bồi hồi, xao xuyến khi sắp phải chia xa mái trường hay vắng đi một tà áo trắng, một nụ cười thân thương. Lòng ta tự cất lên câu hát: “Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”.
Có một tháng 5 để ta còn biết đến những ngày lễ không thể nào quên. Tháng 5 mở đầu với ngày Quốc tế lao động để mỗi người biết trân quý thời gian, biết yêu công việc, sống có trách nhiệm với bản thân cũng như cộng đồng. Tháng 5 về dường như vẫn nghe đâu đây không khí khẩn trương, ác liệt và hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào dội về. Ta hân hoan trong niềm vui đại thắng nhưng cũng bùi ngùi không thể nào quên máu xương cha ông đã đổ xuống để có được non sông tươi đẹp như ngày hôm nay.
|
Một sáng tháng 5, nghe câu ca thân thuộc từ một giọng hát trong trẻo cất lên: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…”, lòng bỗng nhớ tháng 5 có ngày sinh nhật của Bác. Tháng 5 về, ai mà chẳng bồi hồi nhớ thương, tự hào, tri ân và tôn kính tới vị cha già dân tộc, người đã dành cả cuộc đời cho non sông, đất nước với tên gọi thật gần gũi: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Bác sẽ còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam từ sự kiên trì, trí tuệ mẫn tiệp, lối sống giản dị và tình yêu thương bao la dành cho tất cả mọi người; là tấm gương, là niềm tin cho bao thế hệ noi theo.
Giữa cái oi ả, rộn ràng của tháng 5 còn có một Ngày của mẹ để ta biết sống chậm, biết lắng lòng ngẫm suy về tình mẫu tử trước bao bộn bề, tất tả của cuộc đời. Được mẹ sinh ra, đưa ta đến với thế giới này đã là một điều may mắn. Được mẹ yêu thương, nuôi dưỡng, chở che cho ta vô điều kiện trong cuộc đời này đã là một món quà vô giá. Và thật hạnh phúc biết bao khi ta còn có mẹ, còn thấy bóng dáng, khuôn mặt mẹ mỗi sáng mỗi chiều. Bởi còn mẹ là ta còn một điểm tựa tinh thần bình yên, ấm áp, bền chặt và lớn lao nhất trong cuộc đời!
Trong khúc nhạc thời gian, tháng 5 đã dung hòa được cả hai cung bậc rạo rực và sâu lắng. Cũng bởi thế mà tháng 5 đã đi sâu vào lòng người và kết thành bao nỗi nhớ!
AN VIÊN