Với con trẻ, đừng nói “giá như”
Vụ việc thương tâm của cháu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong cả nước. Từ thông tin ban đầu cháu bị sơ sẩy, quá trình triển khai công tác cứu hộ và đến lúc ngành chức năng thông tin cháu đã tử vong, mỗi người đều dõi theo với diễn biến bao cảm xúc, từ cầu mong những điều tốt lành, đến hy vọng, đến thương xót và suy ngẫm.
Với tôi, cũng có con trai tầm tuổi với cháu, nên cảm xúc, niềm xót thương của một người làm mẹ càng nhân lên. Cứ nghĩ đến sự sống rời xa quá sớm với một cháu bé vốn đã chịu nhiều nhọc nhằn, vất vả và đến khi mất lại một lần nữa nhọc nhằn, vất vả mà trĩu nặng nỗi buồn. Giá như… - tôi thầm nghĩ.
Giá như… Sẽ giống như tôi, chắc hẳn rằng, sẽ có nhiều, rất nhiều câu nói: Giá như… Giá như, hôm đó cháu đừng đi nhặt phế liệu, đừng vào những công trình xây dựng vốn chứa đựng nhiều nguy hiểm. Giá như công trường được che chắn kỹ lưỡng để tránh những bất cẩn, hiểm họa có thể xảy ra. Giá như cuộc sống gia đình cháu khấm khá hơn. Và cả giá như cháu được ăn uống đủ đầy dinh dưỡng, vóc dáng to cao hơn một chút…
“Giá như” và “giá như”. Một loạt các “giá như” được đưa vốn là câu nói nằm lòng của biết bao người lớn, biết bao ông bố, bà mẹ khi ngẫm về những chuyện đã qua với sự nuối tiếc, xót xa. Giá như, hôm đó tôi không đi quá nhanh. Giá như, hôm đó tôi đội mũ bảo hiểm cho cháu. Giá như, tôi kiểm tra lại hệ thống điện trong nhà đảm bảo an toàn hơn. Giá như, cháu được học bơi. Giá như, tôi không quá tham công tiếc việc, dành nhiều thời gian hơn đến cháu…
|
Nhưng, mọi chuyện không thể nói là giá như, đặc biệt là với con trẻ. Trẻ con vốn bản tính hồn nhiên, hiếu động, nếu thiếu đi sự căn dặn, sự giám sát, sự phòng ngừa của người lớn, chỉ cần một chút bất cẩn, chỉ cần một chút sơ sẩy thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Thực tế là nơi này, nơi kia hằng ngày vẫn xảy ra những vụ việc tai nạn thương tích ở trẻ em. Chứng kiến cảnh đau lòng, nhiều thầm nói “giá như”. Thế nhưng, khi mọi sự đã rồi, thì trăm cái “giá như…” cũng không thể sửa chữa cho một sai lầm. Không ít cháu đã ra đi khi tuổi còn quá nhỏ, khép lại những giấc mơ dang dở, để lại bao nỗi tiếc thương. Còn cháu nào may mắn hơn thì nhẹ cũng phải thuốc men, gia đình chăm sóc, nặng thì để lại di chứng suốt đời về thể xác và sự tổn thương về tâm lý, tinh thần, chập chờn những nỗi sợ hãi, âu lo.
Thông thường, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình mà mức độ đầu tư chăm sóc con cái có sự khác nhau. Nhưng với quan điểm đầu tư cho con cái là đầu tư cho tương lai nên hầu hết các gia đình đều ưu tiên cao nhất việc chăm lo cho con, từ ăn uống, học hành đến vui chơi, nghỉ ngơi, dạy dỗ. Tuy nhiên, với những gia đình nghèo, cuộc sống bộn bề khó khăn, trong hàng loạt các nhu cầu của con trẻ, lo cho con được ăn no, được học hành đã là chuyện khó, còn đâu thời gian, còn đâu công sức để theo sát con mỗi ngày. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, miền núi, trẻ em thường quẩn quanh vui chơi cùng bạn bè ở các khu vực lân cận, các bậc phụ huynh cũng chỉ biết nhắc nhở, lấy đâu thời gian canh cánh theo con. Như trường hợp cậu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp, cuộc sống khó khăn, người lớn bận mưu sinh lo toan cho cả gia đình nên không thể nào theo sát cậu từng bước, mọi chuyện cũng có lẽ chỉ dừng lại nhắc nhở. Còn cậu bé để thực hiện ước mơ được học võ đã cố gắng nhặt nhạnh ve chai phế liệu, tích góp mỗi ngày. Nhưng, hiểm họa không báo trước, ước mơ trong trẻo và chính đáng của cậu bé khép lại và mãi mãi không thể nào thực hiện được.
Trong khi vụ việc của cậu bé với bao nỗi xót xa chưa nguôi thì dọc các con đường, trên các ruộng rẫy, trên các công trình xây dựng, biết bao nhiêu đứa trẻ khác, cũng tầm tầm tuổi như cậu bé, tay xách, tay mang để nhặt nhạnh ve chai phế liệu, để bán vé số, để cuốc cày như một lao động chính.
Mà chẳng nói đâu xa, mới tối qua đây thôi, nhìn 5, 6 cháu tầm 13, 14 tuổi khoác trên vai những bì bao tải sau cả bao lâu đi nhặt nhạnh ve chai phế liệu, mặc cho trời tối, lại mưa rét, vẫn hớn hở nô đùa dọc trên đường phố, không mảy may nghĩ đến những hiểm họa khó lường trong cuộc sống, mà lòng lại lần nữa xót xa. Suy cho cùng, cũng vì đói nghèo. Không quản ngại mưa rét, đêm tối, không quản ngại hiểm nguy, các cháu cố gắng nhặt nhạnh để thực hiện ước mơ về những bữa cơm no đủ, về những món đồ mới cho bằng bạn, bằng bè.
Vụ việc thương tâm của cháu bé ở Đồng Tháp là hồi chuông báo động cho người lớn, cho các ông bố, bà mẹ. Tai nạn thương tích ở trẻ em thường xảy ra từ sự chủ quan của các em và của chính người lớn. Phòng hơn chống. Mỗi gia đình, mỗi người lớn cần quan tâm giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho con trẻ, cẩn trọng trong mọi công việc để giảm thiểu các nguy cơ và cùng nỗ lực, có những hỗ trợ kịp thời. Hãy chung tay bảo vệ trẻ em bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự thấu hiểu – đó không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động thiết thực, cụ thể. Đừng để khi ngoái nhìn lại, bao người lớn phải xót xa, hối tiếc và thốt lên hai chữ: “giá như”…
Nguyên Phúc