Vị xưa
Những bữa cơm với muối vừng ấy ấp iu chị bao ước mơ nồng đượm. Những bữa cơm với muối vừng nuôi dưỡng chị ngày một lớn và hình như chị cũng men theo hương vị ấy mà trưởng thành.
Bữa cơm nào, dù có đủ các món, thịt, cá, rau… để đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà, đặc biệt là hai đứa con nhỏ, chị vẫn không quên để thêm chén muối vừng. Chồng chị có lần như nói dỗi, bao nhiêu là món ăn chẳng hết, cứ mang muối vừng ra làm gì, đâu phải như thời xa xưa đói khổ nữa đâu. Chị thanh minh, chẳng phải đói khổ gì, nhưng chị thấy thích, thấy ngon khi ăn muối vừng. Với chị, có lẽ, muối vừng không chỉ là món ăn đưa cơm mỗi buổi, mà còn là lưu giữ… vị xưa…
Nói vậy, chị trầm ngâm, mắt nhìn về nơi xa ngái. Vị xưa. Khoảng 30 năm trôi qua rồi, chị vẫn nhớ hương vị muối vừng xưa ấy. Cái ngầy ngậy đậu phụng lẫn vị mè thơm thoang thoảng gắn bó với mỗi bữa cơm ấu thơ, chị ăn riết thành quen, thành ghiền, hôm nào không có lại thiêu thiếu, lại nhớ.
Cách tuần, mẹ chị lại làm một mẻ muối vừng. Sáng sáng, trong ánh lửa rực hồng, tiếng củi nổ lép bép, mùi thơm của đậu phụng, mè rang len lỏi qua khe cửa, dậy cả căn nhà nhỏ, khiến đứa trẻ 7-8 tuổi là chị tỉnh giấc. Chị thức dậy ngồi cạnh, nhìn ánh lửa chập chờn, nhìn mẹ nhanh tay đảo hết mẻ đậu phụng, mẻ mè, đến mẻ muối… Thể nào, chị cũng ỉ ôi, mẹ để dành, gói cho chị nắm đậu phụng rang trong tờ giấy học trò. Thuở đói kém, có nắm đậu phụng rang nhẩn nhơ gặm nhấm, với con trẻ còn gì là bằng!
Chị chẳng biết mình gắn bó với những bữa cơm sáng với muối vừng bắt đầu từ khi nào. Chị chỉ nhớ những buổi sáng mùa đông, không gian vùng chị chìm đắm trong gió mưa bảng lãng. Cuộc sống gian khó, hàng quán hiếm hoi, nhà nào nhà nấy đều rực lửa nấu cơm không chỉ lo bữa ăn gia đình mà còn như sưởi ấm căn nhà buổi sáng. Mẹ múc ra giữa mâm chén muối vừng, xới cơm ra từng chén. Từng chén cơm trắng bốc khói nghi ngút, mẹ thoăn thoắt múc từng muỗng muối vừng trải đều lên từng chén cơm của mấy chị em. Đỡ bát cơm từ tay mẹ, chao ôi là ngon. Mưa gió, cơm nóng, muối vừng thơm, vị bùi bùi, ngọt tự nhiên của của cơm, của đậu, của vừng… hòa quyện vào nhau, đàn con háu ăn chẳng ai chịu dừng lại một bát…
Ngày hè nóng nực, mẹ hay luộc rau. Nước rau luộc vắt thêm tí chanh, cả nhà chan vào cơm, thêm muỗng muối vừng, vị chua chua thanh thanh của nước rau luộc, thêm vị thơm bùi của muối vừng, bữa cơm của gia đình sao mà đầm ấm, vấn vương…
Đến ngày khăn gói xa nhà lên thành phố học đại học, trong hành trang chất chồng nhớ thương cho cô con gái, mẹ chị đặt vào góc một hũ muối đậu, vừng…
Nhớ đến đó thôi, chị bỗng thấy lòng như có một làn gió mát dịu ùa vào. Một làn gió ngây ngất mùi của tuổi thơ - thứ mùi hương đầy diệu kỳ, đầy lãng đãng. Những bữa cơm với muối vừng ấy ấp iu chị bao ước mơ nồng đượm. Những bữa cơm với muối vừng nuôi dưỡng chị ngày một lớn và hình như chị cũng men theo hương vị ấy mà trưởng thành.
Và, vị xưa ấy vẫn theo chị đến tận bây giờ…
Cuối tuần, chị vẫn giữ thói quen làm muối vừng. Mỗi lần vậy, chị lại hít hà. Một mùi vị thật khó diễn tả, nhưng thích lắm, sảng khoái lắm. Đó không hẳn là mùi thơm – mà là vị xưa, vị của quê hương, vị của thời thơ ấu.
Phố cao nguyên bây giờ đang vào mùa trở gió. Những bữa cơm với muối vừng đã nuôi dưỡng cho chị nay có những bữa cơm đủ đầy.
Dù cho màu thời gian đã hằn những nếp nhăn trên gương mặt, hằn những sợi bạc trên mái tóc, nhưng với chị, vị xưa, vẫn có gì đó luyến lưu, gợi nhớ. Dù ngày lại ngày, chị mải bước đi trong dòng chảy thời gian, trong nhịp sống hiện đại có phần hối hả, vị xưa vẫn ào ạt ùa về, rõ nét, hiển hiện. Đó là điều rất thật trong tâm hồn mỗi khi chị đối diện với miền bình lặng cùng nỗi nhớ trong veo. Chị nhìn thấy, những trưa nắng như đổ lửa, cả mẹ lẫn cha không được ngả lưng nghỉ ngơi mà thức bóc từng hạt đậu, phơi phóng từng mẻ hạt mè. Chị ngửi thấy, vai áo cha mặn mòi vị mồ hôi, màu áo mẹ thoảng thơm mùi hương mùa màng bội thu. Chị như nghe tiếng cười vang vang của cả mấy chị em bên những bữa cơm muối vừng ấm áp sum vầy… Chỉ vậy mà, khóe mắt chị cay cay…
Liễu Hạnh