Vị Tết xưa
Trong nhà, nghe tiếng xe cub 50 nổ lạch bạch, cậu con đã đoán ra ông Hiệp- hàng xóm đang về. Chỉ đợi có thế, cậu chạy ra trước cổng, í ới chào ông thật to rồi long nhong chạy đuổi theo. Ông Hiệp làm nông, có một mảnh vườn rộng ngay trước nhà. Ngày nào, cậu con cũng mong đợi ông ấy về để được cùng cuốc đất trồng rau, băm mì, cắt cỏ cho bò.
Chiều nay, từ đồng trở về, ông Hiệp còn kéo thêm một xe cộ đầy những gốc củi to. “Chuẩn bị để nấu bánh tét đó. Ngó vậy chớ Tết tới nơi rồi” – dựng chiếc xe, ông loay hoay đưa từng gốc củi vào góc vườn, vừa làm vừa trò chuyện.
Gia đình ăn chay trường nên vào dịp Tết, ông hay nấu bánh tét chay để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Ông bảo, trong nhà không có bánh tét, bánh chưng sẽ thiếu hương vị Tết. Bởi thế, Tết nào ông cũng gói đến 20 chục đòn bánh tét, vừa cúng gia tiên, cho các con, vừa làm quà cho thông gia và biếu những người thân quen.
Năm ngoái, tôi được thưởng thức bánh tét chay nhà ông Hiệp mà nhớ mãi vị thơm ngon. Từng lát bánh xanh mướt, nhân đậu xanh nằm giữa tròn trịa với vị tiêu mặn mặn, chấm với chén xì dầu sóng sánh, ăn không biết ngán. Đậu xanh, nếp, ông tự trồng rồi để dành. Lá chuối ông hái trong vườn. Đến cọng lạt ông cũng tự chẻ từ bụi tre bên nhà. Mới đầu tháng Chạp, nghe chuyện nấu bánh chưng, bánh tét, nhớ lại mùi vị thơm ngon đã thấy Tết như về đến ngõ.
Nghe chuyện ông Hiệp chuẩn bị củi nấu bánh, cả xóm cũng xúm lại hội ý, lên kế hoạch nấu bánh chưng đón Tết. Xóm toàn thanh niên. Năm ngoái, người biết gói lại hướng dẫn cho người chưa biết. Đêm 28 Tết, dưới ánh đèn nhấp nháy từ 2 cây nêu đầu ngõ, bếp lửa nấu bánh chưng bập bùng đong niềm vui của cả xóm.
|
Năm nay, như thông lệ, mỗi nhà góp nhà vài chục để mua nếp, mua lá rồi rủ nhau làm. Dự tính, khoảng 27-28 Tết thì nấu. Nghe thấy thế, lũ trẻ con đã háo hức, chạy nhảy vui ca khắp xóm.
Chưa bàn xong chuyện bánh chưng, bánh tét, mùi mứt gừng theo gió từ căn bếp nhà bác Hạnh đã tỏa đi khắp xóm, thơm lừng. Đem ra cho cả xóm thử mẻ mứt gừng chưa thành công, bác Hạnh lắc đầu: “Thành kẹo gừng mất rồi. Để nay mai, làm mẻ mứt gừng khác”.
Dù không đẹp như mứt gừng bán ngoài chợ, nhưng mùi đường ngọt lịm, hương gừng thơm lừng khó lẫn vào đâu được. Ăn một miếng, vị cay cay, ngọt ngọt làm cơ thể ấm lên trong cái lạnh rét mướt.
Ăn mứt gừng, nhấp ngụm nước chè xanh đặc quánh, quả thật, ngon khó tả. Trong câu chuyện quanh bàn tròn, chị em nữ lại rủ nhau đổ bánh thuẫn, làm bánh lăn, bánh in rồi muối củ kiệu, muối tai heo... Cánh đàn ông thì bàn nhau mua sâm về ngâm rượu; chuẩn bị tỉa lá, tỉa cành cho mấy cây cảnh trước nhà để bung hoa đúng dịp Tết. Thực ra, ngày nay, chỉ cần “alo” hoặc ra chợ, không thiếu bánh trái, hoa quả, cây cảnh các loại, nhưng mọi người vẫn thích tự tay làm, tự tay chăm. Bởi như thế, mới có không khí rộn ràng và hương vị tết truyền thống đậm đà.
Tết chưa về mà lòng người đã rộn rã. Mấy đứa nhỏ chạy khắp xóm, quanh nhà hớn hở chuẩn bị những câu chúc hay nhất để xông đất, chúc mừng năm mới. Rồi lại thủ thỉ, rù rì hỏi, khoe nhau từng cái quần, tấm áo, đôi giày, đôi dép mới được mẹ mua. Trong ánh mắt tràn đầy niềm vui, chúng lại giơ hai bàn tay đếm ngược: còn 2 tuần nữa là đến Tết rồi.
Lòng vòng ngoài chợ, thấy đã bày bán rất nhiều bánh mứt các loại. Năm cũ đang dần cạn ngày cạn tháng, cùng với đó, một cái Tết ấm áp sẽ lại về trên khắp phố phường, thôn xóm quê hương. Tết nay, hiện đại hơn, nhưng bên mâm cơm gia đình với bánh chưng, củ kiệu; đón khách với những món bánh thuẫn, bánh in nhiều màu sắc đã thấy ấm cúng. Những thức đơn giản nhưng nhiều ý nghĩa và hứa hẹn Tết nay ở xóm nhỏ vẫn sẽ đậm vị Tết xưa!./.
Bình An