Vị ngọt tuổi thơ
Phần thưởng là một bộ sách giáo khoa lớp 6 mới tinh và gói bánh nhân kem khá to mà thằng Tý vẫn thích. Rảo bước đến chỗ bà đang đứng đón ở cổng trường, nó chưa lên xe đã hớn hở: “Để cái này làm quà cho A Túy nhe nội!”. Túy là tên cậu bé mới quen ở ngôi làng nhỏ khó khăn, trong một lần Tý theo bà và các bác các cô trong nhóm thiện nguyện ở tổ dân phố đến tận nơi để cùng chung tay sẻ chia, giúp đỡ.
Không ít lần đón nhận sự quan tâm nơi thằng cháu, lần nào bà cũng vui và cảm động trước việc làm nhỏ bé mà ý nghĩa của nó. Lại một tháng 6 đang đến gần. Năm nào cũng vậy, kết thúc năm học, lễ tổng kết diễn ra từ đầu tuần cuối tháng 5, song với bọn trẻ, mồng 1 tháng 6 đón Tết thiếu nhi, bao giờ cũng mới thực sự là ngày “vào hè” vui tươi, thoải mái.
|
Chẳng lạ lẫm gì với điều đó, song cảm nhận về mốc thời gian ấy thường gợi nhớ những kỷ niệm không quên về vị ngọt của tuổi thơ. Cái tuổi thơ không chỉ của riêng bà, riêng thằng cháu nội đáng yêu bây giờ, mà hẳn là còn ở mãi trong lòng bao đứa trẻ đã từng lớn lên theo năm tháng.
Tuổi thơ đã đi qua từ lâu, song mỗi khi nhớ về, trong lòng bà vẫn rưng rưng xúc cảm. Ngày đất nước còn chia cắt, cuộc sống của mấy mẹ con bà ở vùng quê còn ám ảnh bởi tiếng máy bay giặc thù, thì được đều đặn ngày hai bữa cơm độn mì, độn khoai đã là may mắn. Vậy nên, dấu ấn về mỗi chiếc bánh đa vừng nướng giòn thơm luôn ở lại trong ký ức. Bánh đa được làm từ gạo, mỏng, tròn bằng chừng miệng chiếc đĩa “sắt tây” thường đựng rau luộc của mẹ. Đến tay bọn trẻ, nó đã được nướng chín, bề mặt phồng phồng, nổi lên lớp hạt mè đen mây mẩy. Chợ phiên mỗi tuần chỉ họp một lần, song không phải hôm nào cũng được mẹ mua bánh đa làm quà. Có lúc, hai chị em chỉ chung một chiếc, nên phải ăn dè.
Bánh đa vốn ngon là thế, song ngon hơn, thích hơn, ngày ấy, không thể không kể đến kẹo kéo. “ Kéo... đây!”. Chẳng biết tự khi nào, tiếng rao bằng giọng khàn khàn của bác bán kẹo già trở nên gần gũi, quen thuộc với đám học trò như thế.
Chỉ riêng cái tên đã mang đầy tính “tượng hình”. Trên chiếc xe đạp cũ, “quầy” đựng kẹo là một cái khung bằng tre “tự chế’ ra gắn chặt với “trụ sườn” đã bong tróc sơn. Cục kẹo kéo bằng chừng bắp tay người lớn, được bọc kỹ bằng tấm nilon trăng trắng; mỗi lần mở ra, bác bán kẹo lại nhanh nhẹn lót chiếc khăn sạch sẽ vào lòng bàn tay, rồi nhẩn nha kéo ra từng khúc nhỏ. Khi nào cũng vậy, sau tiếng “phựt” nhè nhẹ là chiếc kẹo kéo xinh xinh được từng đôi tay nhỏ đã chìa sẵn đón lấy. Miếng kẹo giòn bùi, ngọt, nhờ bên trong lớp vỏ đường vàng vàng kết dính là những hạt lạc rang giã dập, quyện với mật đường. Tuy không hề dậy lên mùi thơm, nhưng khi cắn vào thì cái vị ngọt bùi thế này, đứa nào chẳng thích?!
Tháng năm đã qua từ lâu, song vị ngọt thuở nào, làm sao quên được! Có một thứ vị ngọt, không riêng mình bà “nhớ lâu”, ấy chính là lần đầu tiên, chiếc kem que về với vùng quê trong niềm sướng vui của lũ trẻ. Ban đầu là kem sữa (làm từ sữa bột), sau có kem đậu đen, đậu xanh... Với bọn nhóc, kem nào cũng ngọt cũng ngon và đặc biệt “khoái khẩu” hơn từ cái lạnh kéo theo đến tê đầu lưỡi. Mỗi lần cầm que kem trên tay, có đứa không quên ngắm nghía một chút rồi mới đưa vào miệng, hít một cái rõ dài cái làn hơi lành lạnh, cười tít mắt. Riêng cảm giác ngấu nghiến một que kem đến tê miệng mới thích thú làm sao!
Cũng như kẹo kéo, bánh đa, kem que thường được cha mẹ, người lớn “thưởng” cho trẻ con khi được điểm cao, hay được thầy cô khen ngợi, biểu dương ở trường ở lớp. Chẳng hiểu sao, ngay từ khi mới có mặt ở làng, cái thùng xốp đựng kem que đã như cũ màu lớp “áo”. Cho dù có thế, thì sức hấp dẫn của nó chưa khi nào vơi đi. Chỉ cần chiếc nắp thùng được mở ra, kéo theo làn hơi bốc nhẹ, là vị ngọt mùi ngon đã ... “khó tả” thế nào!
Tuổi thơ của bà giờ đã rất xa, nhưng vị ngọt ngày nào vẫn đi theo tháng ngày cùng những người con, đứa cháu... Có điều đáng quý làm sao, khi mà cho đến sau này, dù đã không còn thiếu gì bánh “xịn” kẹo “sang”, thì đọng lại và đong đầy vẫn mãi chẳng ngoài những vị - mùi đậm đà dân dã. “Điểm danh” với cùng kẹo kéo, kem que, nào là bánh rế, kẹo bông, bánh cam, kẹo bột...
Vị ngọt tuổi thơ theo ta lớn từng ngày.
Thanh Như