Vị ngọt mùa sim
Đi giữa vạt sim, giữa mênh mang nắng vàng trải dài khắp vạt cây sim lúp xúp, trái căng mọng, bất chợt thấy lòng bồi hồi như cố nhân lâu ngày hội ngộ. Gần gũi, thân thuộc. Hoài niệm về những mùa sim thời thơ trẻ cứ thế ào ạt ùa về.
Theo chân các cô, cậu thanh niên có dáng người chắc nịch, nước da ngăm ngăm đen, tôi lên phía rừng đèo Vi Ô Lăk hái sim - lộc núi rừng dành cho người dân vùng Đông Trường Sơn trong những ngày thu này.
Trên những đám cây cỏ rậm rạp, lại sau những cơn mưa dài ngày càng dễ trơn trượt, tôi bước từng bước chậm, chắc, len qua từng cây sim. Sim mọc thành từng vạt, cây thấp, cây cao. Trên từng cây sim, cành lá lòa xòa, có phần thiếu đi vẻ mơn mởn vì như bà mẹ sau bao tháng ngày bận chắt lọc dưỡng chất từ đất, từ nước, chắt lọc tinh túy từ hơi sương, khí trời để nuôi cho “đàn con” trên cành ngày càng lúc lỉu.
Thầm nghĩ, trời phú cho vùng Đông Trường Sơn này thiên nhiên kỳ thú, khí hậu mát mẻ, trong lành. Nơi đó, có nhiều sản vật từ núi rừng, có những vạt sim rừng chẳng cần chăm bón, âm thầm chắt chiu vị ngọt ngào của đất đai, dịu dàng vươn lên giữa mưa mù giá lạnh, bình thản khoe sắc, tỏa hương nơi miền rừng núi thẳm. Cứ thế mà qua xuân, đến hạ nảy lộc, đâm chồi, ra hoa, kết quả, để đến thu sang cho trái chín ngọt lành…
Đi giữa vạt sim, giữa mênh mang nắng vàng trải dài khắp vạt cây sim lúp xúp, trái căng mọng, bất chợt thấy lòng bồi hồi như cố nhân lâu ngày hội ngộ. Gần gũi, thân thuộc. Hoài niệm về những mùa sim thời thơ trẻ cứ thế ào ạt ùa về. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ mình đã từng ngóng, từng trông chờ vào mỗi dịp thu về để được mẹ mua cho trái thị, mớ sim chín như thế nào. Và tôi vẫn nhớ rõ mùa sim chín cũng chính là mùa khai trường, nên mỗi khi được mẹ mua sim thường để dành đôi trái làm màu tím, giã thêm lá mướp làm màu xanh tô bức tranh thêm đẹp…
|
Khẽ chạm tay vào trái sim chín đã ngả sang màu đen với lớp lông mịn như tơ, chẳng cần phải rửa, phải chùi, tôi chậm rãi đặt vào miệng... Ngọt, ngon. Quả sim đang ở độ chín mọng nhất, thơm nhất, quyết liệt, tự nhiên khoe vẻ đẹp mãn khai của mình với bao la mây trời. Có lẽ, đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp cảm nhận hương vị mộc mạc này; và cũng đã lâu lắm rồi mới có dịp trở lại hương vị của tuổi thơ mỗi dịp thu về…
Khác với vẻ chậm rãi đến mức thận trọng của tôi, các cô, các chị chân bước, tay hái, miệng cười nói rộn vang cả vùng đồi… Đắm mình trong bao la rộng lớn của núi rừng, của cỏ cây, họ cứ thế nhờ cỏ cây, nhờ núi rừng mà lớn lên vững chãi.
Một chị tay vẫn thoăn thoắt, miệng líu lo kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện, những đổi thay ngay chính từ gia đình mình, những gia đình kề mình và của cả làng mình. Mấy năm nay rồi, nhờ quả sim rừng vốn chỉ “ăn cho vui”, để làm quà cho con trẻ sau cả ngày đi rẫy, mà nay chị có thêm khoản thu để sắm sửa cho con bộ quần áo vào đầu năm học mới. Chị bảo, chỉ cần chịu khó một chút, dậy sớm một chút, chuẩn bị vài vật dụng cần thiết, rồi chị em trong làng rủ nhau thành từng nhóm, để xe lại bìa rừng, đi bộ vài cây số nữa là đến những nơi có nhiều sim. Sau một buổi chịu khó vất vả một chút, chị gùi gùi sim chín về làng là có người thu mua để chế biến thành rượu sim, nước ép sim, sim khô, mứt sim...
Nghe câu chuyện chị kể mà tôi thấy lòng mình rộn ràng niềm vui khó tả. Mấy năm nay, vùng Đông Trường Sơn này có nhiều khởi sắc. Nhờ Đảng, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư và nhờ cả sự nỗ lực của chính người dân nơi đây đã ngày ngày cần mẫn trên những thửa ruộng, trên những rẫy dược liệu và cả trên những đồi sim rừng… Núi rừng ban phát lộc, núi rừng là nguồn sống, dung chứa, dưỡng nuôi bao thế hệ người Xơ Đăng, Hrê… nơi đây.
Xa xa, mây vẫn lững lờ trôi. Đứng trên triền cao nhìn xuống, một màu xanh trải dài tít tắp, những con đường dọc ngang, những thôn làng quần tụ được bao quanh bởi những đồng lúa đang chín vàng… Khung cảnh yên bình mà ấm no, trù phú.
Rời đồi sim khi đã quá trưa. Nắng vàng óng ánh trải dài trên vạt sim, trên từng cây sim, trên từng trái sim như thúc giục, như mời gọi. Tôi lưu luyến chia tay nơi đây như chia tay một người bạn, lòng thầm mong có ngày trở lại, để biết rằng, nhờ núi rừng, nhờ những đồi sim này, nhờ biết hưởng lộc rừng cùng biết giữ gìn, bảo vệ mà người dân nơi đây ngày càng ấm no, đổi mới.
Nguyên Phúc