Vì đâu nên nỗi…
Ai không có sai lầm, hãy đặt vào nhau để sẻ chia, để thấu hiểu, để đối xử với nhau bằng nghĩa, bằng tình. Đừng chỉ nhìn vào cái sai của nhau để chỉ trích, để gây mâu thuẫn. Nhẫn một chút, đối xử với nhau tình nghĩa một chút, thì mọi việc đâu đến nỗi…
Những ngày nay, trên trang facebook Hội mẹ và bé Kon Tum, các mẹ ráo riết kêu gọi cùng nhau hỗ trợ từ tã, bỉm, sữa mẹ để giúp một bé sơ sinh nặng 1,7kg ở Ngọc Hồi đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bé được mổ lấy ra từ bụng mẹ khi chỉ mới được 7 tháng tuổi. Em là một đứa trẻ bất hạnh! Chỉ vì không kìm chế được cơn ghen, cha em tẩm xăng đốt mẹ em, để rồi cả hai vợ chồng phải nằm dưới nấm mồ, để lại em và anh trai 9 tuổi bơ vơ giữa dòng đời nghiệt ngã.
Tôi thương những đứa trẻ ngây thơ, bé bỏng ấy. Giữa cuộc sống đầy bon chen, một đứa bé đỏ hỏn nằm trong lồng kính đã phải mang vành khăn tang và sống dựa vào sự thương cảm của mọi người. Đứa bé lớp 3 sau những giờ học trở về cũng ngơ ngác kiếm tìm nhưng chẳng còn bóng dáng của mẹ cha. Cuộc đời phía trước, tương lai của các bé sẽ ra sao khi không có gia đình, không có vòng tay chở che của cha mẹ?
Tôi không biết vợ chồng họ sống với nhau như thế nào, những tích tụ lâu ngày trong đời sống vợ chồng, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ ngọn ngành. Nhưng mâu thuẫn của người lớn, lỗi lầm của cha mẹ tại sao phải bắt con trẻ gánh chịu? Cả giận mất khôn, chỉ vì phút nông nổi mà làm tan vỡ cả một mái ấm, dang dở cả một cuộc đời của con trẻ. Dẫu biết bát đũa còn có lúc xô, vợ chồng sao tránh khỏi cãi vã, nhưng để đẩy nhau đến địa ngục tăm tối thì không thể chấp nhận.
Câu chuyện trên khiến tôi nhớ lại một chuyện xót xa khác xảy ra vào ngày thi THPT Quốc gia 2019. Một cậu bé ở Quảng Nam phải thất thần bỏ ngang kỳ thi tốt nghiệp THPT để mang khăn tang chỉ vì ba giết mẹ do mâu thuẫn cự cãi trong chuyện mua bia hay mua rượu chuẩn bị cho đám giỗ. Mẹ về với cõi vĩnh hằng, ba ở tù, chẳng biết đến bao giờ cậu học trò ấy mới có đủ thời gian để điềm tĩnh, để vượt qua bão dông của cuộc đời mình trước cú sốc tổ ấm vỡ toang.
|
Rồi mới đây, câu chuyện một người đàn ông giết 4 mạng người vì mâu thuẫn đất đai khiến dư luận phẫn nộ. 0,5m2 đất giá bao nhiêu để những người vô tội phải nằm dưới lưỡi dao? Vậy mới thấy, bất kỳ chuyện gì, bất cứ mối quan hệ nào, dù là vợ chồng hay anh em máu chảy ruột mềm, đồng nghiệp, hàng xóm… nếu người trong cuộc không đủ điềm tĩnh, kiềm chế, đều có thể nảy sinh án mạng.
Ông bà ta có câu “nhẫn một chút sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Không phải ngẫu nhiên ai nấy đều học cho mình cách “nhẫn”. Có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, dữ thành lành. Nhiều trường hợp, chỉ cần biết cách kìm nén cơn tức của mình, có kỹ năng xử lý, mọi việc sẽ không đến nông nỗi.
Từ những câu chuyện trên, bên cạnh chữ nhẫn, bên cạnh cách cư xử cần phải bàn, người ta chợt nghĩ đến giá trị của những bài học truyền thống, đạo lý làm người. Ngay từ khi còn nhỏ, ai nấy đều đã được học những bài học vỡ lòng về việc kính trên nhường dưới, con kính cha mẹ, chị ngã em nâng, phu xướng phụ tùy… Thế mà lớn lên, những bài học quan trọng ấy lại không được khắc ghi và thực hành khiến mọi thứ bị đảo lộn. Người ta có thể giằng xé nhau chỉ vì vài mét đất; đưa nhau ra tòa tranh giành tài sản của chính người cật ruột…; trước khi kết hôn, các cặp đôi thề non hẹn biển sống cùng nhau đến đầu bạc răng long, vậy mà khi tóc đang còn xanh, con đang còn nhỏ, họ lại quên mất lời thề chỉ vì những mâu thuẫn nho nhỏ...
Phải chăng con người ta càng ngày sống càng ích kỷ khiến tình yêu thương và sự sẻ chia trở thành những giá trị lạc lõng. Ích kỷ, bảo thủ, hơn thế, lối sống thiên về vật chất khiến các mối quan hệ, tình thâm rạn nứt; hàng xóm chẳng còn tắt lửa tối đèn có nhau, người với người đối xử với nhau không còn bởi chữ nghĩa, chữ tình, chẳng bởi nghĩa nặng ơn sâu. Cũng vì thế, chỉ một sai sót, mâu thuẫn nho nhỏ cũng đủ để “ghim” sâu. Và rồi, điều gì đến cũng phải đến, những hệ quả đau lòng tất xảy ra.
Sống trên đời, mỗi người đều có một tính cách, một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nên suy nghĩ cũng chẳng mấy khi tương đồng. Ngồi viết những dòng chữ này, tôi chợt nghĩ, cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy nếu mỗi người biết đặt mình vào vị trí của nhau. Ai không có sai lầm, hãy đặt vào nhau để sẻ chia, để thấu hiểu, để đối xử với nhau bằng nghĩa, bằng tình. Đừng chỉ nhìn vào cái sai của nhau để chỉ trích, để gây mâu thuẫn. Nhẫn một chút, đối xử với nhau tình nghĩa một chút, thì mọi việc đâu đến nỗi…
Hoài Tiến