Về quê ăn Tết
Tết, tết, tết, tết đến rồi… Những ngày cuối năm, nghe giai điệu của bài hát mà thấy lòng rộn rã. Giữa bộn bề công việc nhưng bao mệt mỏi, lo toan bỗng chốc tan biến, bởi cứ nghĩ đến việc sắp được về quê ăn tết lại khấp khởi niềm vui.
Đi biền biệt cả năm trời, tết đến mới được về thăm nhà, thăm quê dài ngày. Dù đã hai mươi năm xa nhà, nhưng cảm giác đếm từng ngày đến tết để được về quê vẫn nguyên vẹn trong tâm trí. Mỗi khi nhớ đến không khí sum họp cùng người thân, bạn bè trong những ngày xuân về tết đến lại càng thêm bồi hồi, rạo rực. Bên bữa cơm gia đình, ba kể bao nhiêu là chuyện vui, má thì gắp cho đủ món ngon. Tiếng nói, cười rộn rã trong khoảng không gian ấm áp yên bình. Sau bữa cơm tối, cả nhà lại quây quần bên nhau để hàn huyên, tâm sự biết bao chuyện vui buồn.
Về quê ăn tết, bao muộn phiền sau một năm dài vất vả mưu sinh như tan biến. Sáng ra, màn sương giăng phủ, không khí lành lạnh bao trùm. Hơn 5 giờ sáng, loa phát thanh ở trụ sở thôn đã được bật lên để tiếp âm chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là lúc gần như cả xóm đều thức dậy. Trên con đường làng được đổ bê tông sạch đẹp hãy còn sáng ánh điện đã có nhiều người đi tập thể dục, đi chợ tết cười nói, hỏi han nhau rôm rả. Đâu đó có tiếng chổi quét sân xào xạc từ phía nhà ông Dư, nhà chú Sáu... Tôi cố đưa chiếc chổi đót thật nhẹ trong lúc quét khoảnh sân phía trước nhà để lắng nghe từng thanh âm của cuộc sống trong buổi sớm mai.
Giữa màn sương giăng phủ đường làng, tôi vẫn nhận ra bà Hai kẽo kẹt đôi quang gánh với mấy nải chuối chát (chuối hột) mang đi bán; thím Năm ở xóm trên một tay xách chiếc giỏ nhựa có mấy con gà bên trong, một tay xách mấy bắp chuối mới bẻ ở vườn nhà còn tươi roi rói. Hẳn cũng là đem ra chợ tết.
|
Sớm mai, cái lạnh của đất trời khiến hoa cỏ mùa xuân thêm tươi thắm. Mảnh vườn nhỏ trồng đủ loại cải ngọt, cải cay, xà lách, ngò... mới sáng đã được ba má tưới nước, chăm chút bắt sâu. Năm nào cũng vậy, ba má đều trồng một vườn rau thật tốt, thật mỡ màng, chờ con cháu về thưởng thức.
Thấy ông bà Năm đi chợ sớm ngang qua nhà, má gọi thật to: “Con hái ít rau, tí đi chợ về chú, thím nhớ ghé con gửi nhé”. Bà Năm ngồi sau xe ông Năm vừa vẫy tay với má tôi vừa nói vọng lại “Ừ, tí về, thím ghé”. Còn ông Năm, vừa nhìn thấy tôi không quên căn dặn lại: “Trưa nay, mấy đứa nhớ lên nhà ông ăn cúng cuối năm nhé”. Bao nhiêu năm, từ ngày tôi còn nhỏ - hồi đó ông bà còn chở nhau trên chiếc xe đạp - vẫn giữ được nét chân quê chân chất, bình dị như vậy. Đó là hồn, là tình mà có lẽ chỉ có ở quê mới có được.
Chuyện ở quê, nhà nào trồng được cây gì, nuôi con gì, cuối năm chia sẻ cho người thân, hàng xóm cũng là thường. Vì vậy, cứ cận tết, mấy chị em tôi thường được má giao nhiệm vụ mang những thứ nhà làm được, như rau, quả, biếu cho ông, bà, cô, dì, chú, bác... Việc làm tuy nhỏ nhưng giúp các gia đình thêm gần gũi, khăng khít hơn, không khí ngày tết ở quê thêm phần ấm áp hơn.
Về quê ăn tết, thích nhất là được cùng má làm những loại bánh mứt truyền thống như bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, bánh men… Mỗi loại bánh mứt được má chuẩn bị các nguyên liệu thật kỹ, phải mất mấy ngày mới xong. Suốt ngày má cứ lụi hụi trong bếp để rang nếp, rang bột mình tinh. Bột mình tinh và nếp chuẩn bị xong má lại đi xay. Mấy tối liền má thức canh để bưng bột nếp ra lấy sương đêm. Má nói, bột nếp nếu được lấy sương sẽ có độ ẩm, để đóng bánh hơn. Để bánh thơm ngon, má còn kỳ công chọn các nguyên liệu như mè đen, đậu phộng để làm nhân bánh.
Chuẩn bị nguyên liệu xong đâu đấy, má lại hì hục làm bánh. Những chiếc khuôn gỗ từ thời bà ngoại còn sống được má nâng niu cất kỹ, tết đến mới lấy ra. Từng chiếc bánh in làm bằng bột nếp trắng trẻo, xinh xắn được má làm xong mang đi hong nắng cho cứng cáp. 3 ngày tết, má thường dậy sớm để xếp các loại bánh tự tay mình làm ra đĩa để ba thắp nhang cúng ông bà. Mùi bánh thơm nức lan tỏa khắp bàn thờ. Bánh cúng xong được má mang ra cho con cháu. Mà hay là đứa cháu nào cũng thích các loại bánh truyền thống.
Về quê ăn tết, điều thích thú nữa là được đi chợ. Nhớ ngày nhỏ, cứ gần tết, trên chiếc xe đạp cũ kĩ, má chở mấy chị em đi sắm đồ tết. Được má sắm cho 1 bộ đồ mới mà lòng vui như hội. Chợ quê ngày ấy cũng rộn ràng lắm, chỉ có điều hàng hóa bày bán không nhiều và phong phú như bây giờ. Chủ yếu là những sản vật của nhà nông, nhiều nhất là các loại trái cây trong vườn nhà như chuối, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài…; còn hoa thì chủ yếu là những loài dân dã, có thể trồng ở bất cứ góc vườn nào, như cúc, vạn thọ, thược dược…
Bây giờ con đường đất đỏ dẫn vào chợ quê đã được bê tông hóa sạch đẹp, người ta bày bán đủ thứ hàng hóa được sản xuất trên khắp đất nước và cả hàng ngoại nhập. Hàng hoa thì rợp sắc, nào là ly, lan, đồng tiền, hồng ngoại, huệ, lay-ơn… Thế nhưng tôi vẫn cứ đắm đuối với mấy loài hoa dân dã năm nào, những cúc, những thược dược, những vạn thọ thường gặp ở góc vườn.
Hàng chả, hàng thịt, hàng cá, hàng bánh mứt nườm nượp người ghé đến. Cuộc sống ở quê bây giờ khấm khá hơn, mỗi người con xa quê tết đến gần như ai cũng muốn về bên gia đình, nên nhu cầu mua sắm cho tết ngày càng nhiều. Hòa vào dòng người, được thỏa sức ngắm nhìn bao sản vật quê hương, được đắm chìm trong không khí tết quê cảm giác thêm yêu hơn làng quê bình dị.
Loáng cái là 30 tết. Từ sáng sớm, ba đã thức dậy tất bật với công việc lau dọn bàn thờ chuẩn bị cúng rước ông bà. Đây là công việc mà ba rất chăm chút. Ba bảo, tết đến, con cháu rước ông bà về ăn tết cùng nên phải tươm tất, nhất là sửa soạn bàn thờ gia tiên, từ việc trưng bày lễ vật đến các nghi lễ cúng kính phải trang trọng và thành tâm. Đặc biệt, trong thời khắc giao thừa, cả nhà chuẩn bị khá chu đáo mâm cơm cúng gia tiên. Nhớ sao thời khắc ấy, thiêng liêng vô cùng, cả nhà cùng đoàn tụ bên nhau, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới; con cháu mừng tuổi cho ông bà và ông, bà cũng không quên lì xì cho con cháu.
Rồi 3 ngày tết, bà con, hàng xóm dành thời gian để thăm hỏi, chúc tết nhau. Nhiều người đi xa cả năm hoặc vài năm mới được về, gặp lại bạn bè, bà con mừng vui khôn xiết… cảm thấy mỗi ngày tết trôi qua thật nhanh.
Tết quê thật sum vầy, ấm áp. Đó chắc hẳn cũng là lý do để những người con xa quê tết đến luôn muốn trở về bên gia đình.
Sông Côn