Về làng mùa cấy
Khi những đám mây đen nặng nề lặng lẽ đùn lên phía đỉnh núi, thỉnh thoảng có những cơn mưa ào tới báo hiệu mùa mưa đến cũng là lúc bà con đồng bào Xơ Đăng ở các xã Tê Xăng, Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) bước vào vụ cấy. Những thửa ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau đã được làm đất, loang loáng nước chờ những khóm mạ non.
Những ngày này, về làng, đâu đâu cũng thấy không khí lao động thật hăng say, nhộn nhịp của bà con. Đàn ông tháo nước, be bờ, làm đất; phụ nữ nhổ mạ, cấy lúa. Tất cả tạo nên một bức tranh nhà nông thật đẹp.
Tôi đi trên con đường dẫn vào thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng) mà ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trải dài, chúng không quá cao, mà thoai thoải dần theo sườn đồi như một bức tranh, với tông màu chính là nâu đậm của đất mới được cày bừa kỹ. Thỉnh thoảng điểm xuyết vào bức tranh ấy là những khóm cây xanh, những kho lúa màu xám, và màu đỏ từ mái tôn của những ngôi nhà ván thấp.
|
Cũng có những chân ruộng cao, được lấy đủ nước nên bà con cấy trước đó cả tuần, nay cây mạ đã bén rễ, vẫy những chiếc lá nhỏ, phô màu xanh mát mắt. Những chân ruộng thấp hơn thì đang chuẩn bị vào chính vụ cấy. Chúng đã được làm đất, trên mặt loang loáng nước chờ những khóm mạ non.
Bắt chuyện với chị Y Ka, người phụ nữ đang cấy lúa cho gia đình anh A Beo và chị Y Blen dưới ô ruộng bậc thang bì bõm nước thì được biết, xưa kia, đồng bào Xơ Đăng nơi đây chỉ trỉa lúa rẫy. Sau khi trỉa hạt thì phó mặc cho tự nhiên, nên có năm được mùa, có năm mất trắng. Về sau, được chính quyền, cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ, đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã biết làm thêm ruộng bậc thang. Mỗi năm dù cũng chỉ làm được một vụ lúa nhưng cho năng suất cao, nên nhà nào cũng có nhiều lúa, vào mùa giáp hạt không còn phải chịu đói nữa.
Chị Y Ka cho biết, khó khăn với người trồng lúa nơi đây là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên nên việc cấy lúa cũng không theo ý muốn. Mùa cấy của bà con thường bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5 khi Tây Nguyên bước vào mùa mưa và kết thúc sau đó khoảng 2 tuần, nhưng có năm cũng có sự xê dịch do phải phụ thuộc vào nguồn nước. Như năm nay chẳng hạn, từ đầu mùa mưa đến giờ lượng mưa rất ít nên thời vụ cấy của bà con chậm hơn so với năm trước gần nửa tháng.
Để trồng lúa, bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây cũng trải qua các bước như gieo mạ, cấy lúa như cách mà trước đây người dân quê tôi vẫn làm. Trước mùa mưa, bà con canh thời gian để gieo mạ. Mạ lên xanh, cũng là khi những đám mây đen nặng nề lặng lẽ đùn lên phía đỉnh núi, thỉnh thoảng có những cơn mưa ào tới báo hiệu mùa mưa đến, bà con canh dẫn nước về từng ô ruộng, làm đất rồi cấy lúa.
Trên thửa ruộng bậc thang của gia đình anh A Beo và chị Y Blen hôm nay có đến 7 nhân công, gồm vợ chồng anh chị và 5 người trong làng đến đổi công. Những người đàn ông thì be bờ, làm đất. Chị em thì nhổ mạ gieo bên những đám đất gần khe nước lên ô ruộng bậc thang để cấy.
Nhìn những bó mạ xanh tốt được xếp trên mặt ruộng, sự chăm chỉ của mọi người, tôi nhớ làm sao hình ảnh những mùa cấy quê tôi một thời.
Ngày trước, ở quê tôi, hễ đến mùa gieo trồng, nhà nhà lại tất bật đi đổi giống lúa (chọn giống lúa phù hợp với thời tiết theo mùa, có thể cho năng suất cao hơn), rồi làm đất, gieo mạ ở những ô ruộng trũng, có độ ẩm cao. Mạ lên xanh rồi lại canh nước dẫn vào ruộng để làm đất.
Ngày ấy, không có máy móc như bây giờ, các khâu đều thủ công; riêng khâu làm đất, nếu nhà nào có trâu, bò thì còn đỡ, còn không thì bà con cũng phải tự cày cuốc. Đến mùa cấy, mọi người tất bật lắm, đàn ông thì canh nước, be bờ, làm đất; phụ nữ thì cấy cả ngày. Cấy xong đám ruộng, tấm lưng của các mẹ, các chị muốn còng; đôi bàn tay thì nứt nẻ vì lá mạ cứa, nhăn nheo, cứng đờ bởi ngâm lâu dưới bùn đất.
Ruộng cấy tuy vất vả nhưng được cái rất ngay hàng thẳng lối, dễ làm cỏ; cây lúa cũng khỏe khoắn, ít bị ngã đổ, nhất là mùa mưa bão.
Bây giờ, cùng với các giống lúa mới và cũng đã có máy móc hỗ trợ các khâu cày cuốc nên quê tôi không còn cảnh gieo mạ hay cấy lúa nữa; bà con ủ giống rồi gieo sạ trực tiếp lên mặt đất tơi nhuyễn, mịn màng do máy móc đã làm sẵn trước đó.
|
Kể ra vậy để thấy rằng, cách làm ruộng lúa của bà con ở vùng đồi núi nói chung và bà con đồng bào Xơ Đăng ở làng Đăk Viên nói riêng có nhiều khó khăn hơn vì những lý do khách quan, như địa hình, khí hậu nên các khâu trồng trọt đều phải dùng sức người, chứ chưa thể ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp. Nhưng bù lại, nơi đây lại có những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp làm say đắm bao du khách đến tham quan, trong đó có tôi.
“Tuy nói nhờ làm lúa nước ở ruộng bậc thang nên không còn lo đói, nhưng cái nghèo thì vẫn chưa đuổi đi được. May là dân làng không chỉ sống dựa vào trồng lúa, mà bây giờ phát triển các loại dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh, nên cuộc sống cũng bớt phần nào khó khăn”- chị Y Ka nói.
Mải mê chụp ảnh trên những thửa ruộng bậc thang và những câu chuyện trồng lúa của bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây mà trời về chiều khi nào không hay. Nhưng rồi tôi cứ nấn ná mãi chưa muốn rời đi khi chị Y Ka kể về tục lệ ăn kiêng và lễ trỉa lúa (trước khi cấy) được người Xơ Đăng ở vùng rừng núi Ngọc Linh này từ xa xưa đến nay gìn giữ.
Hẹn mùa cấy lúa năm sau tôi sẽ lại trở lại vùng đất này để tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Xơ Đăng nơi đây.
SÔNG CÔN