Về làng ăn gạo xà cơn
Người làng, kể cả già làng không ai còn nhớ cái hạt giống lúa xà cơn nầy có từ bao giờ, chỉ biết nó lưu giữ từ đời cha sang đời con rồi đời cháu. Khác với cách trồng lúa nước của miền xuôi, lúa của làng từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, cất giữ và sử dụng đều được thực hiện bằng thủ công...
Biết tôi hay về làng bạn bè ở phố bảo: Tụi mình thèm ăn cơm nấu bằng gạo xà cơn ở tại làng quá. Gì chứ gạo xà cơn ở làng giờ vẫn còn, không nhiều nhưng không thiếu, kỷ niệm một thời được làng nuôi nấng bằng thứ gạo bọc thép ấy thôi thúc tôi hỏi tìm, và giờ đây nó như một thứ cao lương mĩ vị mà không gặp dịp thì không dễ được ăn.
Người làng, kể cả già làng không ai còn nhớ cái hạt giống lúa xà cơn nầy có từ bao giờ, chỉ biết nó lưu giữ từ đời cha sang đời con rồi đời cháu. Khác với cách trồng lúa nước của miền xuôi, lúa của làng từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, cất giữ và sử dụng đều được thực hiện bằng thủ công. Gieo lúa bằng cây dùi vót nhọn chọc lỗ để thả hạt giống xuống, nhổ cỏ bằng tay, lúa chín tuốt từng nhánh bỏ vào gùi, bóc tách vỏ bằng chày gỗ cối gỗ, hạt gạo bóc ra có màu đỏ bầm chứ không trắng đục như gạo ở đồng bằng.
Theo lời già làng thì sở dĩ hạt đỏ, có vị đặc biệt thơm ngon là nhờ được núi rừng nuôi dưỡng, kết tinh sương rừng gió núi, ngày ngày được đánh thức bởi tiếng suối róc rách, tiếng chim, thú, dế, sóc vì vậy mà hạt cơm gạo đỏ mang vị ngon lạ kỳ. Chính sự kỳ công của việc trồng, thu hoạch và hấp thụ tinh túy từ trời từ đất nên nó tốt cho sức khỏe. Gạo xà cơn giờ là vị thuốc của làng. Nghe nói nó bổ và mát, thanh nhiệt, chặn sự xuất tiết dịch dạ dày và ruột, bài tiết các chất độc trong thức ăn trị rối loạn tiêu hóa, bổ tỳ, phế, gan, thận. Chắc cũng nhờ ăn thứ gạo nầy mà trai làng gái bản khỏe khoắn và chắc nụi, trẻ em và người già thì ít bệnh tật hơn.
Thú vị nhất là những chiều mùa đông, đi làm về ngồi quây quần bên bếp lửa rừng rực trong căn nhà sàn, xé từng miếng thịt hun khói trên gác bếp chấm muối giã ớt hiểm trộn lá é ăn với cơm gạo xà cơn, nghe hương thơm gạo mới nồng nàn từ cối gạo vừa giã ở cuối cầu thang nhà sàn, thấy đời trong veo.
Chợt nhớ cái thời đi học cứ vào tháng năm tháng sáu là trốn trường về theo mẹ tỉa lúa, khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và bên dưới là phần đất màu mỡ, dùng chiếc gậy được vót nhọn chọc xuống đất để mẹ tỉa hạt, rồi về trường mơ thấy hạt lúa nảy mầm vụ mùa bội thu, rồi mong ngóng tháng mười một để được về tuốt lúa, chờ mẹ giã cho những cối gạo mới đầu mùa đem xuống phố đãi bạn bè cùng ăn.
Ngày trước tuốt xong không bao giờ mẹ đem hết về nhà. Trên rẫy cha đã dựng sẵn chòi kho như ngôi nhà ở thu nhỏ, mái xuôi gần tận mép sàn bằng gỗ, tranh, tre mây, nứa chỉ có một cửa nhỏ vừa đủ mẹ vào cõng lúa ra, khi nhà hết gạo ăn mẹ mới mang gùi lên rẫy cõng về. Kho lúa nhỏ nhắn nằm chơ vơ giữa rẫy nhưng ngày ấy không thấy chim chóc, chuột bọ phá, hay bị mất cắp bao giờ.
Làng giờ no đủ, trồng lúa rẫy để cho ra thứ gạo xà cơn cũng không còn nhiều, người làng chủ yếu trồng xen canh với những cây khác, có được gạo xà cơn để ăn ở làng như để hoài niệm về một thời chưa lâu mà đã xa…
Hoàng Việt